Bài cuối: Sắc mới Cao Vều
Mảnh đất Cao Vều xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) ngày nay thật tươi đẹp và giàu sức sống. Những kết quả đó không chỉ phản ánh sự cố gắng, nỗ lực của Cấp ủy, chính quyền địa phương, mà còn là công sức của những cán bộ, đảng viên ở vùng biên giới luôn giữ trọn lời thề với Đảng, là trái ngọt của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tất cả sẽ tạo động lực, sinh khí mới cho mảnh đất miền biên ải ngày một vươn lên.
Ngược dòng thời gian vào những năm 1980, mảnh đất vùng biên Cao Vều ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) là một vùng núi rừng trùng điệp, thưa thớt người ở, chỉ khoảng mười hộ. Sau đó, vào đầu những năm 1990, nhiều người dân tộc Thái từ các xã của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) nghe tin bản Cao Vều đất còn rộng và rất màu mỡ đã sang khai hoang, định cư. Từ đó, Cao Vều được hình thành và phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Bản Vều 1, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) hiện có 92 hộ, 320 nhân khẩu, gần 80% là đồng bào dân tộc Thái, Chi bộ hiện có 8 đảng viên. Hơn 10 năm về trước, bản Vều 1 thuộc diện đặc biệt khó khăn, với hơn 60% hộ thuộc diện nghèo.
Trong những năm qua, bản được hưởng lợi từ các chương trình phát triển kinh tế xã hội và các nguồn vốn vay ưu đãi, ngoài ra còn được hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Cao Vều nói chung và bản Vều 1 nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiện tại, ti vi, xe máy, điện thoại di động phủ sóng cả bản; nhiều mô hình trồng rừng, trồng chè công nghiệp, mía, sắn nguyên liệu đã mang lại nguồn thu ổn định hàng năm cho bà con dân bản “no cái bụng, ấm cái nhà”. Đường biên giới được nhà nước đổ bê tông phẳng lỳ đến tận bản, muốn mua bán cái gì cũng thuận tiện…
Để minh chứng cho việc phát triển sản xuất, giảm nghèo ở bản, Bí thư Chi bộ bản Vều 1 dẫn chúng tôi đến gia đình anh Vi Văn Phong, là hộ dân tộc Thái trước đây thuộc hộ nghèo của bản.
Nhờ được tuyên truyền, vận động và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh Vi Văn Phong đã khai hoang đất trống, đồi núi trọc để trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò, lợn gà. Vì vậy, gia đình anh Phong đã thoát được nghèo, cho thu nhập ổn định, không phải đi rừng nữa.
Không chỉ ở bản Vều 1, mà ở 4 bản biên giới này đều có cách làm dân vận rất “khéo” để tạo được niềm tin của bà con, nhất là trong thực hiện các công trình xây dựng NTM. Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, khi triển khai làm việc gì, các chi bộ đều họp ra nghị quyết lãnh đạo, tiếp đó mới họp triển khai đến toàn thể bà con, thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống từng hộ vận động".
Ông Bùi Công Bình - Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Sơn
Cùng với việc cán bộ, đảng viên gương mẫu “đi trước, làm trước”, chi bộ còn phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để nói cho dân hiểu. Đến nay, ở 4 bản Vều đã bê tông hóa được 6 tuyến đường giao thông nội bản, với chiều dài hơn 3km. Không những vậy, bà con còn đóng góp công sức, ngày công sửa chữa 4 nhà văn hóa cộng đồng của bản khang trang...
Khi đường xá đi lại thuận tiện, người dân “mở cờ trong bụng”, tích cực phát triển kinh tế. Từ đốt nương làm rẫy, bà con đã biết trồng lúa, trồng ngô, hoa màu, biết thâm canh tăng vụ. Núi rừng hoang trước chỉ tre măng, bà con đã biết khoanh nuôi bảo vệ thành rừng trồng với những giống keo, tràm, cây ăn quả. Trước chăn nuôi tự cung, tự cấp nay người dân đã biết nuôi lợn, gà hàng hóa.
Có nhiều hộ khá giả với các mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao như: Trang trại của ông Nguyễn Ngọc Đồng, ở bản Vều 1, là mô hình trang trại tổng hợp gồm chăn nuôi 50 con dê, 30 con bò, 12 con hươu.
Ngoài ra, ông còn đầu tư trồng 8,5 ha chè công nghiệp, 750 cây mít dai với diện tích 3,5 ha và 3 ha bưởi da xanh. Gia đình ông Nguyễn Bá Ngọ ở Vều 1 trồng ha keo, 3 ha chè, đào 2 ao cá và chăn nuôi lợn thịt; Trang trại của anh Bạch Đình Diện, Vều 2 trồng 10 ha keo, chăn nuôi trâu bò, dê…
Hiện nay, ở vùng biên giới Cao Vều có trên 90% gia đình có xe máy, ti vi, điện thoại di động, có nhà mua được cả ô tô; các bản có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, cả 3 cấp trường: Mầm non, Tiểu học, THCS được đầu tư kiên cố giúp cho trẻ đến trường, học hành thuận lợi. Từ năm 2020 đến nay, 4 bản luôn đạt danh hiệu bản văn hóa; tình hình an ninh trật tự, an ninh vùng biên giới được đảm bảo.
Biên giới Cao Vều là vùng đệm của rừng nguyên sinh Pù Mát, có tài nguyên rừng tự nhiên lớn, đa dạng với nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Nằm yên bình bên bờ sông Giăng, Cao Vều quanh năm xanh mát, tựa lưng vào những núi đá khổng lồ cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, giao hòa giữa sông và núi làm say đắm lòng người.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, người dân Cao Vều đã biết làm du lịch.
Điểm đến đầu tiên khi đặt chân đến Cao Vều là khu du lịch sinh Thái vực Bụt, đây là nơi giao thoa, gặp gỡ giữa hai con sông là Sông Giăng và sông Vều. Có chiều dài chừng 1km và chiều rộng khoảng 200m, với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và kỳ thú.
Đến với vực Bụt, du khác sẽ được tắm mình trong dòng nước trong xanh, mát mẻ, bãi tắm thoải với nhiều hòn đá tự nhiên và không khí trong lành. Ngoài ra, còn được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống như: Cá mát- loài cá duy nhất chỉ có ở sông Giăng, cá được người dân nơi đây đánh bắt từ con sông xanh đã tạo nên thương hiệu “cá sông Giăng, măng chợ Cồn” hay thưởng thức món cơm Lam, xôi ngũ sắc và các món ăn truyền thống của đồng bào Dân tộc. Cách bãi tắm vực Bụt tầm 2-3km là bãi tắm Cây Sung.
Với lợi thế về vị trí địa lý cũng như vẻ đẹp hoang sơ, bãi tắm Cây Sung được xem là “điểm nhấn” trên dòng sông Giăng và đang là điểm đến cuốn hút du khách gần xa trong thời gian gần đây. Sở dĩ gọi là bãi tắm Cây Sung vì ở khúc sông này không chỉ có nước trong xanh, mà còn có cây sung hàng trăm năm tuổi đổ bóng râm mát cả ngày, vừa tạo cảnh quan vừa là điểm tắm lý tưởng.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, chủ cơ sở điểm du lịch Cây Sung cho hay, Cao Vều may mắn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp vô cùng hấp dẫn. Tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có này và để phát triển vùng biên giới Cao Vều, gia đình đã đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái với hệ thống nhà sàn, dịch vụ ăn uống. Hy vọng trong tương lai không xa, Cao Vều sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.
Hiện tại, trên địa bàn 4 bản của Cao Vều, xã Phúc Sơn đã xây dựng được 8 điểm du lịch cộng đồng, bãi tắm nằm dọc bờ sông Giăng, ngoài Vực Bụt, Cây Sung còn điểm du lịch sinh thái Nhà lá - Vườn Xoan; Homestay Thắng Mai cũng được nhiều người biết đến.
Hộ gia đình chị Trần Thị Mai (Homestay Thắng Mai) ở bản Vều 1 nổi tiếng cả vùng biên giới vì thành công trong việc làm du lịch cộng đồng từ các món ẩm thực ngưới Thái. Tất cả các thành viên trong gia đình chị đều có những hiểu biết về văn hóa ẩm thực dân tộc Thái và khi có khách du lịch đến lưu trú tại gia đình, ai cũng chế biến được những món ngon này để phục vụ du khách.
Bê đĩa xôi ngũ sắc bắt mắt vẫn còn phả khói, chị Mai chia sẻ thêm, người Thái ở bản Vều hiện còn giữ nhiều bí quyết làm những món ẩm thực với các loại gia vị truyền thống, được tự tay chế biến các món ăn đồng bào mình phục vụ du khách, chị vui lắm, tự hào lắm.
“Để phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tôi còn vận động chị em phụ nữ trong bản thành lập đội văn nghệ, để phục vụ các đoàn khách du lịch, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em. Nếu có dịp đến thăm Cao Vều, du khách sẽ được thưởng thức các món ẩm thực bản địa vô cùng đặc sắc, hay tìm hiểu những phong tục văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, được hòa mình vào các điệu múa, tiếng cồng, tiếng chiêng, thưởng thức hương vị của rượu nếp, rượu cần… chắc chắn rằng khi ra về sẽ nhớ mãi không quên”, chị Mai giới thiệu thêm.
Ông Nguyễn Công Bình, Bí Thư đảng uỷ xã Phúc Sơn, cho biết: Những năm gần đây, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là một trong những định hướng của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã. UBND huyện đã ban hành đề án “Trùng tu, tôn tạo di tích gắn phát triển du lịch trên địa bàn huyện Anh Sơn giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có nội dung cụ thể về du lịch sinh thái ở Cao Vều và ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại bản Vều.
Xã cũng đã ban hành đề án, kế hoạch phát triển du lịch tại bản Cao Vều. Thời gian qua, huyện Anh Sơn và xã Phúc Sơn cũng đang tích cực thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các chương trình dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như nhà hàng, nhà du lịch cộng đồng xanh, sạch, đẹp.
Hiện nay, huyện cũng đang triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 534C đi cửa khẩu Cao Vều. Công trình này được xây dựng không chỉ nhằm mục tiêu đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân, mà còn là cầu nối với cửa khẩu, đường biên giới, cột mốc, giúp phát triển kinh tế du lịch ở khu vực Cao Vều. Thành lập mô hình phát triển bảo tồn văn hóa dân tộc cồng chiêng ở Vều 2.
Từ thành công làm “Dân vận khéo” ở Cao Vều, xã Phúc Sơn cho thấy kinh nghiệm của huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) là phải đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từ huyện đến cơ sở. Cán bộ từ huyện đến xã xuống tận thôn, bản phải tâm huyết, tận tụy, gương mẫu đi đầu, thực hiện theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Ngoài ra, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác dân vận trên địa bàn huyện Anh Sơn ngày càng được đổi mới về nội dung và đa dạng hóa hình thức.
Ông Hoàng Đình Mỹ, Trưởng Ban dân vận huyện uỷ Anh Sơn (Nghệ An), cho biết: Trong năm 2023, cấp cơ sở trong toàn huyện đã đăng ký xây dựng 260 mô hình “Dân vận khéo”, ban chỉ đạo cấp huyện đã kiểm tra 99 mô hình, trong đó 19 mô hình phát triển kinh tế, 62 mô hình VH-XH, 14 mô hình QPAN, 04 mô hình xây dựng hệ thống chính trị.
Nổi bật trên lĩnh vực phát triển kinh tế có các mô hình tập trung về việc “khéo” vận động nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển làng nghề, thành lập tổ hội nghề nghiệp tiêu biểu như: Mô hình “Sản xuất chè Công nghệ cao”; “Xây dựng sản phẩm mật ong có thương hiệu đạt chuẩn OCOP”; “Vận động cán bộ hội viên giải tỏa mặt bằng làm đường GTNT và xây dựng tuyến đường Xanh, sạch đẹp, sáng thân thiện”.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình chủ yếu tập trung vận động nhân dân tích cực đóng góp xây dựng cơ sở vật chất để xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, tài trợ giáo dục...
Lĩnh vực an ninh - quốc phòng có các mô hình “Xã sạch về ma túy”, “Tổ an ninh tự quản thôn, xóm”, “Cựu chiến binh tham gia bảo vệ ANTT”, “Tổ dân cư có hệ thống Camera đảm bảo ANTT”; mô hình “Vững hậu phương, chắc tiền tuyến”.
Lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có các mô hình tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Vận động nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Bồi dưỡng đoàn viên, hội viên ưu tú kết nạp vào Đảng…
Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An), vai trò làm chủ của Nhân dân không ngừng được tăng cường, củng cố; tâm tư nguyện vọng của nhân dân, của dư luận xã hội được nắm bắt thường xuyên và phản ánh, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời…
Nhờ đó đến nay, toàn huyện Anh Sơn có xã/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt NTM nâng cao; Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2023 là 50,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,07%, 85% gia đình đạt văn hoá. Năm 2022, huyện Anh Sơn vinh dự là đơn vị xuất sắc tiêu biểu của tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về công tác dân vận.
Thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, hướng mạnh về cơ sở được coi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong quá trình triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An).
Những đổi thay ở bản biên giới Cao Vều hay những mô hình dân vận khéo thiết thực, hợp lòng dân trên các lĩnh vực là minh chứng rõ nét nhất, kết tinh thành “quả ngọt” đền đáp xứng đáng cho sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân.
Đây là nền tảng vững chắc để huyện Anh Sơn tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trên chặng đường sắp tới, quyết tâm xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững, sớm khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, hứa hẹn trong tương lai gần sẽ là một Anh Sơn sầm uất, mang tầm vóc mới, sức sống mới, diện mạo mới.