Dừng chạy tàu, đóng cửa một số sân bay ứng phó bão số 3 (bão Yagi) nếu cần thiết
Ngày 5/9, Bộ GTVT đã có công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các sở GTVT địa phương về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 3 (bão Yagi).
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Đài thông tin Duyên hải tiếp tục theo dõi chặt diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam khẩn trương điều động các tàu SAR đến trực chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất, để hỗ trợ địa phương ứng phó với cơn bão và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay kiểm tra công tác phòng chống bão, lũ tại các sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu, công tác điều hành, chỉ huy... để có phương án bảo đảm an toàn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Các Cảng hàng không dự kiến trong khu vực ảnh hưởng của bão số 3 gồm: cảng HKQT Vân Đồn, Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HKQT Nội Bài, Cảng hàng không Thọ Xuân. Đối với Cảng hàng không Vinh và Điện Biên khuyến cáo mưa, giông và sẵn sàng ứng phó khi bão có diễn biến bất thường.
Để chủ động ứng phó với bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tổ chức trực / giờ; thực hiện nghiêm Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan theo dõi sát thông tin bão và triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ". Các đơn vị như Công ty TNHH Một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam được chỉ đạo tăng cường giám sát và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chủ động khắc phục hậu quả mưa, lũ, đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình, đặc biệt cần chú ý các hạng mục thi công dưới nước, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.
Có phương án dừng tàu trong khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước có sự cố tai nạn do bão gây ra, có phương án chuyển tải hành khách trong trường hợp đường sắt bị sự cố, đặc biệt là các tàu khách trên tuyến Hà Nội – TP HCM.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đôn đốc các đơn vị Quản lý đường thủy nội địa kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong và sau bão, lũ ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.