Bão số 3 tiến sát, Quảng Ninh sẵn sàng nhiều kịch bản phòng, chống
Vào lúc 11h ngày 7/9, bão số 3 đã vào vùng biển Quảng Ninh và tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng -20km/h. Hiện tại sức gió mạnh nhất tâm bão cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 16.
Quảng Ninh đang có mưa lớn bao trùm với gió cấp 8 trở lên và đang tăng cấp ở các địa phương ven biển như Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều... Riêng tại huyện đảo Cô Tô - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 3 đang có mưa to trắng trời, gió giật cấp theo từng cơn khiến nhiều công trình, nhà kiên cố bị tốc mái, hàng chục cây xanh, biển quảng cáo bị quật đổ. Theo báo cáo nhanh của huyện, bão chỉ còn cách Cô Tô hơn 100km. Từ đêm qua, huyện Cô Tô đã bố trí di chuyển 600 hộ dân vào các khách sạn và nơi cư trú an toàn và gần 30 khách sạn mở cửa miễn phí đón ngư dân trú bão.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, PCT UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương đang ở tinh thần chủ động cao nhất để ứng phó với bão số 3: “Phương châm 4 tại chỗ, từ xa, từ sớm, từ cơ sở là quan điểm xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị cho đến thực hành hiện nay. Tôi có thể nói rằng, công tác ứng phó bão đã hết sức chủ động, bám sát diễn biến từ rất sớm. Cho nên, khi tình hình diễn biến từ các tuyến đảo đến chợ gần bờ khi gió bắt đầu tăng cấp và mưa lớn, các địa phương đã có chủ động bám sát theo tình hình và hiện nay tất cả các đầu mối đều đang thường trực ở các vị trí xung yếu để đảm bảo cho công tác ứng phó đạt hiệu quả cao nhất”, ông Cường cho biết.
Kiểm tra công tác phòng chống bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chủ động của Quảng Ninh nhất là chuẩn bị vật tư, phương tiện và lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơn bão rất mạnh với cường độ ngày càng tăng cao, vì vậy địa phương không được chủ quan và cần lường trước tất cả các tình huống khi bão vào: “Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo tiền phương đóng ở Quân khu 3 để chỉ đạo được sát sao hơn. Hướng tuyến của bão đến thời điểm này xác định bão nằm giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, bán kính phủ rất rộng dọc theo tuyến biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, tác động đến các tỉnh sâu trong nội đồng và các tỉnh miền trung du và miền núi phía Bắc. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần ở mức độ cao nhất trong mọi tình huống. Đặc biệt, ứng phó bão thì bản thân các lực lượng phải an toàn tuyệt đối mới có đủ sức để hỗ trợ bà con”.
Theo báo cáo nhanh tại hiện trường, hiện các tàu du lịch hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh đã ở khu neo đậu tránh trú bão an toàn. Đến 7h ngày hôm nay 7/9, tổng số khách du lịch trên địa bàn tỉnh là hơn 2.500 người đã được lưu trú an toàn trên đất liền.
Hồ Yên Lập là hồ chứa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho TP Hạ Long, TP Uông Bí và TX Quảng Yên, dung tích 127 triệu m3. Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngày 5/9, hồ thủy lợi Yên Lập đã mở cửa xả tràn công suất 10m3/s. Đến sáng nay, ngày 7/9, hồ Yên Lập đã tăng công suất xả tràn lên 16m3/s để đảm bảo an toàn.
Cũng theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, đến sáng ngày hôm nay, toàn bộ 5.556 tàu cá đã di chuyển đến các khu tránh trú bão an toàn; trên 3.500 lao động trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển đã di chuyển lên bờ; trên 2.000 hộ dân đã được di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn. Công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai đồng bộ, liên tục từ tỉnh đến cơ sở. Các địa phương đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để hỗ trợ người dân kịp thời.
Đến thời điểm này, Quảng Ninh chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể. Ngoài huyện đảo Cô Tô đã mất điện từ đêm qua, thì thị xã Quảng Yên đã mất điện từ 11h. Cầu Bãi Cháy, cầu Vân Đồn đã cấm các phương tiện qua lại. Riêng Cầu Bạch Đằng đã cấm các phương tiện lưu thông từ 11h30 và mở lại khi cấp độ gió đạt ngưỡng an toàn, dưới cấp 10. Các địa phương của Quảng Ninh đã di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi an toàn. Trước diễn biến của bão số 3, hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam TKV đang yêu cầu các đơn vị sản xuất than lộ thiên và hầm lò tổ chức trực chỉ huy. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các đơn vị sản xuất than hiện nay là tập trung phòng chống sạt lở những vị trí xung yếu bãi thải và chống ngập úng ở các mỏ.