Cây đổ đè chết người, bẹp ô tô ai phải bồi thường?
Bão số 3 đổ bộ, cây xanh ở Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình và nhiều tỉnh liên tục ngã đổ, gãy nhánh làm chết người, đè bẹp xe ô tô trên đường. Dưới góc độ pháp lý thì xử lý thế nào và quy trách nhiệm ra sao?
Mưa lớn kèm gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão số 3 từ chiều ngày 6/9 đến nay khiến Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành xuất hiện hàng loạt sự cố cây xanh bật gốc, ngã đổ đè lên người đi đường. Dông lốc mạnh gây hậu quả nghiêm trọng đến các phương tiện lưu thông và đặc biệt gây nên tai nạn không đáng có cho người đi đường.
Trao đổi với Báo Công lý, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định rằng cây xanh được trồng và quản lý bởi các cơ quan chức năng có chuyên môn trong lĩnh vực cây trồng và được chăm sóc, sàng lọc các cây bị sâu bệnh, úng rễ, bất gốc và tuổi thọ kém, do vậy việc tình trạng những cây xanh bị bật gốc, gãy đổ trên đường ảnh hưởng đến tính mạng của người dân thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc cây trồng quản lý.
Từ đó có thể thấy pháp luật cũng đã quy định rất rõ về việc chăm sóc định kỳ, kiểm tra tuổi thọ của cây, theo Nghị định 64/2010/ NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, nêu rõ: “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình”.
Hơn thế nữa, cây xanh là tài sản có chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, nếu gây thiệt hại cho người khác thì việc bồi thường căn cứ theo Khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự 20 như sau: “Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Đối với thiệt hại do cây cối gây ra, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải có trách nhiệm bồi thường. Nếu những người có trách nhiệm quản lý, trông coi cây xanh đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật đúng quy định (thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng) mà vẫn xảy ra tai nạn cây xanh gãy đổ thì có thể xem đó là sự kiện bất khả kháng.
Căn cứ quy định Điều 604 Bộ luật Dân sự 20 quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau:
Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Để quy định rõ hơn về trách nhiệm của người quản lý, pháp luật đã quy định chi tiết về nguyên tắc mức bồi thường thiệt hại trong những trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 585 BLDS 20 như sau:
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS 20: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Theo đó, người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp sau đây. Ví dụ người gây thiệt hại trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 BLDS 20 một sự kiện được cho là bất khả kháng khi có đủ ba điều kiện: (i) Sự kiện xảy ra một cách khách quan; (ii) Không thể lường trước được; và (iii) Không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Như vậy, theo quy định về bồi thường thiệt hại: Việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Do đó trường hợp cây xanh dọc vỉa hè đỗ gãy gây tai nạn cho người đi đường thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
"Bên cạnh đó người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định" - Luật sư Bình quan điểm.