Xuyên đêm gia cố đê Mùa ở Ninh Bình
Ngay lúc rạng sáng ngày 11/9, các cơ quan chức năng xã Lạc Vân (Nho Quan, Ninh Bình) đã phải huy động lực lượng tổ chức gia cố bờ đê Mùa trước nguy cơ tràn gây ngập úng cho các hộ dân và hoa màu phía trong.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 11/9, trước tình hình nước sông Hoàng Long tiếp tục dâng cao, có nguy cơ tràn nước đê Mùa thuộc địa phận thôn 3, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, gây ngập úng cho khoảng 200 hộ dân, 50ha lúa và hoa màu, trường học, trạm y tế xã ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.
Công an huyện Nho Quan đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức vận chuyển vật liệu, bao cát, đất… đến hiện trường nâng cấp tuyến đê, góp phần ngăn chặn tràn đê và ngập úng kịp thời.
Trong điều kiện mưa lũ kéo dài, tại tuyến đường 477, đoạn cầu Nho Quan; tuyến đường 479, thôn Minh Hồng xã Xích Thổ bị ngập, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân, Công an huyện Nho Quan cũng đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ người dân đi lại an toàn…
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, hiện nay lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Đáy tại Ninh Bình đang lên. Mực nước lúc 7h ngày 10/9/20 tại Bến Đế là 3,60m (trên mức báo động 2: 0,10m), trên sông Đáy tại Ninh Bình là 2,98m (dưới báo động 2: 0,02m).
Dự báo trong 12- giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đang lên, đỉnh lũ có khả năng lên mức 4,30-4,50m, (trên báo động 3 từ: 0,30-0,50m); trên Sông Đáy tại Ninh Bình lên mức 3,80-4,00m (trên báo động 3 từ: 0,10-0,30m), mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi ven sông, vùng trũng thấp trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình đang tích cực nắm tình hình, theo dõi, cập nhật sát diễn biến và tình hình mưa lũ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, bảo đảm tốt an ninh trật tự đi đôi với bảo đảm an toàn các hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, bãi biển, đầm, hồ, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc, đầm bè…. để góp phần bảo đảm tốt an toàn về người, tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra…
Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông, gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện. Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút.
Nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê. Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công theo phương châm "bốn tại chỗ" để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Đồng thời chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có lũ. Phối hợp kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước trong khu đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, yêu cầu các chủ phương tiện tổ chức neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo hành lang thoát lũ, an toàn giao thông đường thủy trên các tuyến sông. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức nghiêm túc trực ban, quân số thường trực chiến đấu, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.