Văn hóa - Du lịch

Du lịch ĐBSCL: Cần đột phá để phát triển

Tâm Phúc /09/20 11:56

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có du lịch ĐBSCL cần có những chính sách đột phá, giải quyết những nút thắt đang vướng mắc đặc biệt là về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và nguồn nhân lực chất lượng cao, để từ đó phát triển nhanh, bền vững và có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của các tỉnh, thành phố trong vùng.

Sớm đưa các dự án “về đích” đúng thời hạn

Văn hóa, nếp sống của cư dân vùng ĐBSCL có nhiều nét tương đồng dẫn đến sản phẩm du lịch được hình thành trùng lắp, thiếu hấp dẫn, khó thu hút được khách du lịch, giảm tính cạnh tranh đối với các địa phương trong vùng. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư và việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, công tác xã hội hóa hoạt động du lịch còn hạn chế.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng có thẩm quyền của các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL đã dành nhiều nguồn lực, quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch, xây dựng các đề án phát triển du lịch. Tuy nhiên, các đề án, chương trình xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vẫn bị chậm tiến độ, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ triệt để.

s1.jpg
Ao Bà Om (Trà Vinh) trong ngày hội

Trên cơ sở tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, tỉnh Trà Vinh xác định du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch biển là những sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế so sánh trong vùng ĐBSCL. Nhằm phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, thời gian tới, tỉnh Trà Vinh cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và mời gọi đầu tư các loại hình du lịch biển; xây dựng không gian du lịch biển; hoàn thiện các các sản phẩm du lịch biển để xây dựng không gian du lịch biển gắn với du lịch văn hoá và du lịch tâm linh.

Với lợi thế nằm tiếp giáp giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là tiếp giáp với TPHCM, để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang bản sắc của địa phương, qua đó thu hút khách du lịch, tỉnh Long An cần đầu tư, xây dựng dự án phát triển du lịch.

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong đó khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư các dịch vụ du lịch hấp dẫn, phong phú đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế; ngành du lịch cần tích cực quảng bá, tuyên truyền và tham gia, tổ chức các hoạt động, sự kiện về du lịch, phối hợp với các kênh truyền thông trong và ngoài tỉnh. Tăng cường kêu gọi đầu tư vào các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, trong đó chú trọng đầu tư các dịch vụ phục vụ du khách.

Theo đại diện Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Long An, thời gian tới, tỉnh cần hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nông thôn trong việc ứng dụng máy móc tiên tiến trong khâu sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển ngành nghề nông thôn, theo đó tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng các làng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, triển khai điểm trưng bày, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc thù… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và khách du lịch trong việc tiếp cận và mua sắm sản phẩm.

Với hầu hết các khu vực tài nguyên du lịch sinh thái đều có liên quan đến đất rừng, vườn quốc gia, nên du lịch của Cà Mau vẫn gặp khó khăn trong chuyển mục đích sử dụng; không giao đất cho nhà đầu tư được cũng như hạn chế trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Chưa sắp xếp được quỹ đất dành cho bãi đỗ phương tiện vận chuyển khách du lịch tại các khu vực trung tâm đô thị. Công tác xã hội hóa hoạt động du lịch và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch yếu. Chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh.

Với những khó khăn nói trên, ngành du lịch Cà Mau cần tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo loại hình du lịch đặc thù và là thế mạnh của tỉnh như: sinh thái, cộng đồng, rừng, biển đảo, gắn với hệ thống sản phẩm du lịch từ nông nghiệp (thủy, hải sản), làng nghề truyền thống,…. Tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kết hợp các hoạt động du lịch giữa các địa phương, điểm đến du lịch trong tỉnh.

Đối với một số đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù bị chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, các ngành và cơ quan có thẩm quyền liên quan cần phối hợp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ. Các địa phương trong tỉnh cần chủ động trong tổ chức sự kiện thu hút du khách, gắn kết các tiềm năng hiện có. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, thời gian tới đây, Sở sẽ cùng các ngành chuyên môn phối hợp trong việc tham mưu nâng cấp quy mô lễ hội tại một số di tích tiêu biểu để làm điểm nhấn. Các ngành mạnh dạn hơn trong việc đăng cai các sự kiện các vùng, khu vực.

Cần chính sách về nhân lực

Trước tình hình nguồn nhân lực làm việc trong ngành du lịch tại ĐBSCL thiếu về cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn cao, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần phải tăng cường hơn nữa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cần có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là nhân lực tại chỗ như: hỗ trợ kinh phí đào tạo, bố trí việc làm sau đào tạo... Đồng thời, cần phối hợp, liên kết để tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chương trình liên kết phát triển du lịch.

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về du lịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại giao… cho các cán bộ, công chức lĩnh vực du lịch từ tỉnh đến huyện; cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch nhằm nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.

s2.jpg
Du khách trải nghiệm sông nước tại Bến Tre

Ngành du lịch các địa phương cũng cần liên kết với các trường đại học trong vùng ĐBSCL đào tạo về du lịch; phối hợp với các trường dạy nghề, các doanh nghiệp, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ phục vụ du lịch, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đảm bảo tính chuyên nghiệp. Qua quá trình đào tạo cần đưa ra nhiều cơ hội thực tập, tạo việc làm cho sinh viên, người lao động ngành du lịch.

Đối với du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp, sinh thái… cần tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trong chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị (OCOP) và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong đó tập trung vào: các bước triển khai chương trình OCOP; bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm; cách thức xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; xây dựng kế hoạch tài chính; phương pháp phát triển, cải tiến sản phẩm; thiết kế, hoàn thiện bao bì, nhãn mác hàng hóa; tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm thu hút khách du lịch.

Tập huấn và trang bị kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ chủ homestay, chủ các nhà vườn, các hộ gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng tại các địa phương. Thường xuyên quan tâm, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, tiến tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thân thiện, chuyên nghiệp.

Ngành du lịch các địa phương cần phối hợp hơn nữa với các hiệp hội du lịch để vận động, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp thu hút đội ngũ nhân lực ngành du lịch.

s3.jpg
Chợ chồm hổm thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Ông Trần Việt Phường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL rất quan tâm đến vấn đề nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi và mấu chốt trong việc thúc đẩy, phát triển du lịch ĐBSCL nhanh, bền vững và hiệu quả.

“Về phía Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, kết nối vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động ngành du lịch trong vùng. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác nhân lực luôn được chúng tôi ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển cũng như trong các chương trình hành động của hiệp hội”, ông Trần Việt Phường nói.

Sản phẩm du lịch đặc thù, nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đang là những điểm nghẽn cần tháo gỡ để du lịch ĐBSCL phát triển. Hy vọng rằng, thời gian tới, với quyết tâm cao của các địa phương, sự chung tay vào cuộc, tháo gỡ khó khăn của các ngành có liên quan, du lịch ĐBSCL sẽ có những bước phát triển đột phá, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của từng địa phương trong vùng.

Ngày 20/9 tới đây, tại TP Cần Thơ, Báo Công lý phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL".

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL; lãnh đạo TAND, các Sở quản lý về du lịch trong khu vực; các chuyên gia; nhà quản lý; các trường đào tạo về du lịch.

Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị:

1. Công ty TNHH Thẩm mỹ Linh Anh Sai Gon

2. Tập đoàn Vingroup-Công ty CP

3. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Kim Thủy Lâm

4. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu

5. Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank)

Tâm Phúc