Phóng sự - Ghi chép

Tình người ở rốn lũ Thạch Thành

Thanh Phương 16/09/20 - 17:23

Từ nhiều đời nay, khu phố Ngọc Bồ (thị trấn Kim Tân, Thạch Thành, Thanh Hóa) nằm ngoài đê sông Bưởi, nên 110 hộ dân (hơn 500 nhân khẩu) năm nào cũng phải hứng chịu vài trận lụt. Nhẹ thì ngập úng hoa màu, nặng thì nước lên tới nóc nhà buộc phải di tản vật nuôi, người dân. Trong cơn lũ, người dân lại đùm bọc, che chở, tận tình giúp đỡ lẫn nhau.

hotro.jpg
Rốn lũ Thạch Thành thường xuyên bị ngập khi nước sông Bưởi dâng cao

Gần 10 ngày bị nước sông Bưởi dâng cao, nhấn chìm khu phố Ngọc Bồ do mưa lớn sau cơn bão số 3. Ngay khi nước rút, người dân lại tất bật quay về dọn rửa nhà cửa, vườn tược như chưa hề có lụt. Sống ở mảnh đất này, người dân đã quá quen với những trận lũ bủa vây nhà cửa.

aophao.jpg
Bà Minh chuẩn bị áo phao cho lần lụt sau

Phải tới ngày hôm nay (16/9), bà Trịnh Thị Minh (76 tuổi, khu phố Ngọc Bồ) mới lại đi xe đạp vào khu phố để hỏi thăm bà con và mua thêm 1 số vật dụng, áo phao. Đã sống qua cái tuổi “thấp thập cổ lai hy”, bà chẳng lạ gì với sự “đỏng đảnh” của sông Bưởi. Sông vốn dốc, ngắn nên cứ mưa to ở thượng nguồn trong vòng một thời gian ngắn là nước đổ về tới tấp. Nước thoát không kịp, dâng lên ập vào ruộng đồng, tấn công khu dân cư.

nuocngap.jpg
Ông Quách Văn Thuận kể về những trận lụt bủa vây

“Nhà tôi mấy nhân khẩu phải di tản ở nhà anh em họ hàng. Hôm qua nước rút mới về dọn rửa nhà cửa. Năm nay 3 sào ruộng trồng lúa sắp tới lúc thu hoạch mà ông trời lại cướp mất chú ạ. Còn mấy đám ruộng mía nước ngâm thế này chắc cũng bỏ đi cả thôi. Nhưng cả phố không ai bị hà bá cướp đi là may rồi. Còn người là còn của. Tranh thủ nắng ráo, tôi phải đi mua mấy cái áo phao chuẩn bị cho lần lụt sau”...

gacdo.jpg
Người dân thiết kế gác mái để chứa đồ

Đang tất bật dọn rửa nhà cửa, thấy có khách tới hỏi thăm, ông Quách Văn Thuận (60 tuổi) niềm nở mời vào nhà uống nước. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, gia đình ông Thuận phải chế một khu vực chứa đồ tít ở trên cao, sát trần nhà. Gia đình ông Thuận có 3 nhân khẩu, khi có lũ xảy ra thì di chuyển lên ở nhờ nhà họ hàng.

nguoidan.jpg
Ông Trần Minh Tuấn kể lại những lần chạy lụt

“Cứ nhìn theo mực nước sông thì chúng tôi di tản trâu bò, lợn gà lên khu vực đồi phía trên cao. Nước tiếp tục dâng thì người già, trẻ em sẽ được đi ở nhờ phía trên cao. Người dân ở đây thấu hiểu tình cảnh của bà con nên ai nấy cũng tạo điều kiện cho người dân tá túc.

Những lúc như thế này thì chính quyền, huyện Thạch Thành có bố trí nhân lực hỗ trợ, di dời tài sản, gia súc, gia cầm lên khu vực an toàn. Những trai trẻ, khỏe ở lại phụ giúp các gia đình di chuyển đồ đạc lên khu vực cao. Nhà tôi có nuôi con trâu và mấy con lợn cũng được di chuyển lên khu vực đồi. Hôm qua mới đưa về. Ở đây, nhà nào cũng trang bị 1 chiếc thuyền sắt để sẵn sàng ứng phó”, ông Trần Minh Tuấn kể.

samthuyen.jpg
Mỗi hộ dân Ngọc Bồ đều trang bị thuyền sắt để sẵn sàng di tản

Trong gian khó, những người ở khu phố Ngọc Bồ càng trở nên gắn bó, đoàn kết, kiên cường hơn. Họ xem lũ như là thử thách để cho người dân trở nên mạnh mẽ. Chính vì vậy mà lũ trẻ ở đây phải học đầu tiên là bơi lội. Biết bơi để tự cứu mình và giúp đỡ người thân, xóm làng.

Ông Trần Minh Tuấn (63 tuổi) khu phố Ngọc Bồ lại có thể thảnh thơi vừa uống nước, tiếp khách, hút thuốc lào như chưa hề có đại hồng thủy quét qua. “Dân chúng tôi ở đây sống quen với lũ rồi. Phải thích ứng nếu muốn tồn tại ở cái đất này. Trẻ con thì phải biết bơi lội, kể con trai hay con gái. Làm nhà thì phải có 2 gác, nghèo cũng phải thiết kế gác để mà chạy lũ.

tieudoc.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân tiêu độc, trử khùng

Chúng tôi nhìn con nước mà hành xử. Tài sản, đồ điện thì nhanh chóng cho lên tầng trên. Trâu bò, lợn gà thì di chuyển lên đồi. Nhà nào neo đơn thì ới 1 tiếng thì có thanh niên, dân quân, an ninh cơ sở xúm vào. Dăm hôm nước rút thì lại quay lại dọn dẹp, ổn định đời sống.

Những người dân thị trấn Kim Tân rất tốt, họ sẵn sàng nhường nhà cửa, giường chiếu cho dân chạy lụt. Lúc đó mới thấy tình người tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau. Được cái an ninh ở đây rất tốt, không có chuyện trộm cắp, mất đồ đạc. Lũ rút, chính quyền, các đơn vị tập trung tiêu độc, khử trùng, làm sạch nguồn nước, cấp phát thuốc cho người dân”...

phochutich.jpg
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân Hoàng Xuân Thanh trao đổi với PV

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kim Tân Hoàng Xuân Thanh, cho biết: “Khu phố Ngọc Bồ nằm ở vùng trũng ngoài đê nên nước sông Bưởi lên là bị ngập. Người dân đã sống ở đây nhiều đời nên gắn bó với vùng đất này. Họ biết thích ứng, chủ động di chuyển tài sản, gia súc, gia cầm lên khu vực cao hơn. Người già, trẻ em đi trước tới các gia đình thân quen. Thanh niên ở lại di chuyển tài sản, phụ giúp các gia đình khác.

Chính quyền địa phương hỗ trợ nước sạch, nhu yếu phẩm cần thiết, động viên người dân tại nơi di chuyển lên ở nhờ. Ai cũng chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong những ngày mưa lũ. Khi có đoàn cứu trợ đến thì chúng tôi tổ chức phân phát hoặc hỗ trợ thuyền chở vào tận nơi. Dân nhà nào cũng chuẩn bị áo phao, thuyền sắt để chủ động. Trong đợt ngập lụt vừa qua, trên địa bàn có 77 ha lúa, 35 ha mía bị ngập úng mất trắng. Tổng thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng.

Được biết, trong đợt mưa bão vừa qua, trên địa bàn huyện Thạch Thành bị ngập 262 hộ. Buộc phải di dời 67 hộ dân bị ngập sâu tới nơi ở mới. Ngập 9,3 km đường giao thông trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Có 979,0 ha lúa, 1.079,6 ha mía, 87 ha ngô và rau màu khác, diện tích cây ăn quả 13 ha, diện tích rừng 17 ha bị nước nhấn chìm. Nhiều cây xanh, cột điện bị đổ, gãy, tổng thiệt hại gần 106 tỷ đồng.

Ngay sau khi nước rút, Trung tâm y tế dự phòng huyện Thạch Thành, các trạm y tế và chính quyền địa phương đã tổ chức thu dọn bùn đất, phun tiêu độc khử trùng, làm sạch nguồn nước, tổ chức lực lượng ra đồng thu hoạch hoa màu còn có thể vớt vát được. Trên cơ sở thống kê thiệt hại cụ thể, các ban, ngành, ngân hàng đang xem xét có hưỡng hỗ trợ, khoanh, giãn lãi vay và cho người dân vay mới để tái thiết, đầu tư, sản xuất ổn định trở lại.

Thanh Phương