Vấn đề quan tâm

Sự cố 37 container rơi xuống vùng biển Cù Lao Chàm: Cần điều tra và đánh giá đúng về thiệt hại

Nguyễn Cúc 16/09/20 17:45

Không đồng ý với Cảng vụ Hàng hải TP HCM về xác định một số vấn đề liên quan đến sự cố rơi container xuống biển, chủ hàng đã kiến nghị và được Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo giao Cảng vụ Hàng hải TP. HCM chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng xác minh, trong đó lưu ý: “các container trên chở ô tô có thể có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển”.

Sự cố 37 container rơi xuống biển

Ngày 22/12/2023, tàu Morning Vinafco vận chuyển 298 container (tương đương 443 TEU, 6.669 tấn) rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), hành trình đi cảng Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh. Vào khoảng 21h19 giờ cùng ngày, tàu đang hành trình thì bị rơi container xuống biển tại khu vực Cù Lao Chàm (Quảng Nam), trong đó có 14 container là hàng hóa của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh (42 xe ô tô, gồm 26 xe điện và 16 xe thường).

anh-1-1-.png
Tàu Morning Vinafco cập cảng Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh

Sau khi xác minh, ngày 09/8/20 Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh có văn bản số 48/BC-CVHHTPHCM gửi Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo xác minh sự cố. Theo báo cáo, hiện trường không được tiếp cận ngay sau khi xảy ra để kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, hình ảnh, dữ liệu, thông tin liên quan.

“Thời gian dài trôi qua, các dấu vết, vật chứng tại hiện trường đã bị mất, xáo trộn hoặc đã bị xóa bỏ do việc sửa chữa, duy tu các thiết bị trên boong bị hư hỏng sau sự cố để phục vụ hoạt động xếp hàng, chằng buộc hàng hóa để vận chuyển của tàu. Vì vậy, công tác thu thập bằng chứng, chứng cứ, dữ liệu liên quan đến sự cố hàng hải nói trên gặp rất nhiều khó khăn”, báo cáo nêu.

Cũng theo Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh, hậu quả sự cố là “không thiệt hại về người”, “không ghi nhận thông tin gây ô nhiễm môi trường”, một số container trên nắp hầm hàng Bay 16 và Bay 20 bị hư hỏng, biến dạng, nhiều thanh giằng lashing bị gãy, đứt, biến dạng cong, …và không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải của tàu Morning Vinafco. Cảng vụ đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam không thực hiện điều tra sự cố tàu Morning Vinafco rơi container trên biển ngày 22/12/2023.

anh-2.png
Các container bị nghiêng, lật sau sự cố

Trước đề xuất này, bên bị thiệt hại là Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh vô cùng bức xúc cho rằng Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh đã bỏ qua lưu ý quan trọng của Cục Hàng hải Việt Nam là “các container trên chở ô tô có thể có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển”.

Đại diện bên thiệt hại cho biết trong số 37 container rơi có 14 container chứa 42 xe ô tô nguyên chiếc của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh. Ngoài ra còn có hàng hóa của Công ty Tín Nghĩa và Công ty Trường Nam. Tính riêng 26 xe ô tô điện của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh đã có khối lượng pin hơn 10 tấn.

Được biết, loại pin trong xe ô tô nêu trên là pin điện lithium, là loại hoá chất độc hại, khi rơi xuống biển sẽ làm rò rỉ các hóa chất gây nguy hiểm cho môi trường. Tuy độc hại nhưng lại chưa được Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh tổng hợp, điều tra, làm rõ.

Do đó, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh kiến nghị Cục Hàng hải TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra tai nạn hàng hải về ô nhiễm môi trường trên cơ sở đánh giá lại sự tác động của pin xe điện đến môi trường và nghiên cứu áp dụng biện pháp buộc hãng tàu Vinafco trục vớt các container đã rơi trên biển để giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Cần điều tra khách quan, toàn diện về thiệt hại

Về vấn đề với khối lượng lớn và trong môi trường biển thì số pin có gây tác động lớn đến môi trường không, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt cần phải tiến hành trục vớt các container bị rơi và có đánh giá tác động môi trường. Pin được bọc kín, rơi xuống biển ít ngày thì không sao nhưng để lâu rất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong môi trường biển, nước muối xâm lấn, hóa chất trong pin có thể phát tán ra bên ngoài ảnh hưởng đến môi trường biển. Xung quanh biển có san hô và hệ sinh thái có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

anh-3.png
Văn bản kiến nghị của công ty Phương Anh

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 1/2020/TT-BGTVT ngày 20/1/2020 của Bộ Giao thông vận tải thì tai nạn hàng hải là sự kiện liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển gây ra một trong những hậu quả như “gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Cụ thể, theo Điều 4 Thông tư này, tai nạn hàng hải nghiêm trọng là tai nạn làm tràn ra môi trường từ 10 tấn hóa chất đến dưới 50 tấn hóa chất độc hại.

Theo Luật sư Hoàng, mục đích của điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn hàng hải nhằm có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự. Tai nạn hàng hải phải được điều tra đúng quy định, kịp thời, toàn diện và khách quan. Do vậy, tai nạn hàng hải nghiêm trọng phải được điều tra. Các tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng có thể được điều tra hay không điều tra do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định, trường hợp không điều tra thì phải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam.

Luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước cho biết, theo Điều 3 Nghị định 05/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017, tài sản chìm đắm gây nguy hiểm “là tài sản chìm đắm làm cản trở hoặc gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, hoạt động giao thông đường thủy nội địa; đe dọa tính mạng và sức khỏe con người; ảnh hưởng đến tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường” và “Tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cấp độ 1 là những tài sản có chứa đựng đến 100 tấn dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ hoặc đến 50 tấn hóa chất nguy hiểm, độc hại”.

Về trách nhiệm trục vớt, Điều 5 của nghị định này quy định “Trường hợp tài sản chìm đắm là tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác được chuyên chở trên tàu thuyền, chủ tàu thuyền có nghĩa vụ trục vớt tài sản chìm đắm và chịu các chi phí liên quan; người quản lý, người khai thác tàu thuyền chịu trách nhiệm liên đới trong việc trục vớt tài sản chìm đắm và thanh toán các chi phí có liên quan đến việc trục vớt tài sản”.

Được biết, sau khi Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh kiến nghị, ngày 28/8/20 Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh đã họp với các bên liên quan. Tại cuộc họp, Cảng vụ yêu cầu các bên cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ liên quan phục vụ xác minh. Thực hiện yêu cầu này, ngày 09/9/20 Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh đã cung cấp Báo cáo giám định sơ bộ số 23110479/HH, Báo cáo giám định tiếp theo lần 1 số 23110479/HH và văn bản phản hồi ngày 31/5/20 của Công ty cổ phần Giám định Phương Bắc Hà Nội. Hiện sự việc vẫn đang được xác minh làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Nguyễn Cúc