Nỗ lực khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Sáng 17/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị. |
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của đại diện Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các ý kiến của một số bộ trưởng, trưởng ngành, về các nhiệm vụ thời gian tới, đề cập tại Kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội theo kế hoạch và quy định, theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin-cho
Về định hướng, mục tiêu xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng pháp luật, theo đó, sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; xóa bỏ cơ chế xin-cho, tránh tạo môi trường cho tiêu cực.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan liên quan đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chú trọng huy động năng lực quản lý và nguồn lực của các thành phần kinh tế, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ, nhưng phải kiến tạo để phát triển, qua đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Cơn bão số 3 vừa qua diễn biến rất phức tạp, hậu quả để lại rất nặng nề; toàn đảng, toàn dân, toàn quân lại thêm khó khăn mới, thách thức mới.
“Chính phủ lại đứng trước khó khăn, áp lực thêm trong việc thu chi ngân sách, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát và tăng giá các mặt hàng, đảm bảo đời sống cho người dân” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ phối hợp thực chất, hiệu quả, thể chế kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ cùng tập trung rà soát, xem xét đến nay, những dự án luật, nghị quyết nào đã cơ bản hoàn thành, yên tâm trình Quốc hội; những dự án chưa trình thì có bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng để trình hay không; rà soát công tác chuẩn bị, chất lượng nội dung các dự án luật, nghị quyết dự kiến đề nghị bổ sung vào chương trình, nhất là các dự án trình thông qua tại Kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn; tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật, nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện đúng tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần quán triệt, đó là, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất rất cao đối với quan điểm của đồng chí Thủ tướng Chính phủ về xây dựng pháp luật, đó là: Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Theo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XV đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập.
Qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Báo cáo cũng nêu, sau khi kết thúc Kỳ họp 7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Qua thảo luận, ý kiến các đại biểu đại diện Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ, ngành nêu: Thời gian tới, cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, chủ động giải quyết theo thẩm quyền, xử lý những vướng mắc.
Các đại biểu sáng nay đã thảo luận, thống nhất về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, cho ý kiến xem xét những dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội; tiến độ thời gian, chất lượng…
Các đại biểu trao đổi về những vấn đề còn những ý kiến khác nhau của các dự án luật, nghị quyết, trong trường hợp cần thiết xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/20.
Dự kiến thời gian làm việc 29 ngày; được tổ chức thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10/20, kết thúc ngày 13/11/20. Đợt 2 từ ngày 20 đến hết ngày 30/11/20.