Chính trị

Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri: Khuyến khích cử tri bày tỏ kiến nghị về những vấn đề quan tâm

Duy Tuấn /09/20 - 14:32

Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định việc tổ chức tiếp xúc cử tri có nhiều nội dung nhằm gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mà cử tri quan tâm; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị...

Tiếp tục Phiên họp thứ 37, sáng /9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội.

Thể hiện ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tế có nhiều đối tượng có những hình thức tiếp xúc cử tri từ Trung ương đến địa phương, kể cả là đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

tx1.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Nghị quyết cần thể hiện ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Tờ trình cần thể hiện rõ những nội dung nào được kế thừa, những nội dung nào được sửa đổi, bổ sung, nội dung nào mới.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu hoàn thiện các báo cáo, bảo đảm sự thống nhất, tương thích.

tx2.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ hơn, mạch lạc hơn nội hàm của việc giải quyết kiến nghị cũng như giám sát ở nội dung của nhiệm vụ tiếp xúc cử tri với việc giải quyết giám sát, kiến nghị của cử tri theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chỉ tập trung quy định về “việc tổ chức tiếp xúc cử tri"

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 43 điều với nhiều nội dung mới.

tx4.jpeg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Cụ thể về việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND, để bảo đảm việc thực hiện thống nhất đúng theo quy định của pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định về nội dung tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ của HĐND và các nội dung liên quan đến tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND.

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương, 49 điều và Phụ lục kèm theo.

tx3.jpeg
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Dự thảo Nghị quyết liên tịch đã quy định cụ thể theo hướng tăng cường vai trò chủ động, tích cực của đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc cử tri; gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mà cử tri quan tâm; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị.

Thẩm tra 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với việc ban hành 2 Nghị quyết nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội.

tx5.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ nên tập trung quy định về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, không mở rộng đối với giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Tương tự như vậy, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ tập trung quy định về “việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội” và theo đó, chỉnh lý tên gọi là “Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”.

Duy Tuấn