Cần Thơ triển khai các giải pháp chủ động ứng phó lũ và triều cường
UBND TP. Cần Thơ vừa có văn bản gửi sở, ngành, UBND các quận, huyện về việc chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường, cuối tháng 8 và tháng 9 âm lịch.
Theo dự báo, nguy cơ ảnh hưởng của triều cường kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về trên vùng ĐBSCL vào thời kỳ nửa cuối tháng 9. Bản tin ngày 13/9 của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam có nhận định, mực nước tại trạm Cần Thơ vượt mức báo động III vào thời kỳ triều cường kết hợp lũ đầu nguồn tăng từ ngày 19-22/9; đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05 - 2,m (>báo động III: 0,05-0,m).
Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao xuất hiện thêm yêu tố thời tiết bất lợi, mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại TP. Cần Thơ có thể lên cao hơn so với nhận định trên từ 5-10 cm.
Theo cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, từ tháng 9 đến 11, mực nước cao nhất trên sông Hậu và các kênh rạch trên địa bàn TP. Cần Thơ ảnh hưởng bởi thủy triều kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về. Mực nước đỉnh triều cao nhất ngày trong các đợt triều cường ở mức xấp xỉ báo động III và cao hơn báo động III (2,0m) từ 20 - 30cm. Trong các đợt triều cường, mực nước lên cao gây ngập úng diện rộng tại các tuyến đường trũng thấp, ven sông của nội ô TP. Cần Thơ.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của các đợt triều cường tháng 8 và tháng 9 âm lịch gây ra, UBND TP Cần Thơ đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn thành phố tiếp tục theo dõi, cập nhật liên tục thông tin về tình hình thời tiết, thủy văn; có dự báo sớm, kịp thời, chính xác mực nước đỉnh triều, diễn biến tình hình mưa, lũ cung cấp cho Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, UBND quận, huyện và các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời đưa tin về diễn biến của các đợt triều cường, diễn biến tình hình mưa, lũ để các cơ quan và người dân biết để chủ động phòng chống, ứng phó.
Cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triều cường, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ song, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin về diễn biến của đợt triều cường đầu tháng 8 âm lịch, Rằm tháng 8 âm lịch và các đợt triều cường trong tháng 9, tháng 10 âm lịch đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
UBND TP Cần Thơ yêu cầu Công an thành phố cần phải tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao lộ do triều cường dâng cao gây ngập trên địa bàn thành phố.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố (có biểu thống kê cụ thể từng đoạn đường bị ngập, mức độ ngập sâu của từng đoạn đường để kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng chống, ứng phó); chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tổ chức giao thông và hỗ trợ khi cần thiết. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông cho phù hợp.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh như tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung an toàn, đưa đón học sinh trong mùa lũ; căn cứ vào dự báo tình hình triều cường, triển khai phương án điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em học sinh, giáo viên tại các khu vực ngập sâu.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện và Công ty Điện lực Cần Thơ kiểm tra các công trình, mức độ an toàn lưới điện, trạm biến áp ngầm, nổi để đảm bảo an toàn (đặc biệt các trường học, khu dân cư bị ngập sâu).
Đối với các quận trung tâm, đặc biệt là quận Ninh Kiều tổ chức kiểm tra các tuyến đường, đặc biệt là các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; khi triều xuống, nước rút, tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, cửa thu nước đảm bảo cho nước rút một cách dễ dàng, nhanh nhất, không bị ứ đọng, sớm đưa hệ thống giao thông trở lại bình thường. Chỉ đạo các phường rà soát lại trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Ngoài ra, cần tổ chức rà soát toàn bộ các tuyến đường bị ngập sâu trên địa bàn, thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm (tạm thời), dây cảnh báo, đèn chớp cảnh báo tại những vị trí ngập sâu, các tuyến đường cặp kênh, mương, ao, hồ ngập sâu nguy hiểm khi triều cường dâng cao (không nhận biết phần mặt đường xe chạy với các khu vực nêu trên), gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, chủ động bố trí lực lượng để tham gia điều tiết giao thông.
Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là các tuyến đê bao, bờ bao ở các huyện đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các Cồn trên sông Hậu ... khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, tổ chức gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xay ra tràn, vỡ, sạt lở; chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa Thu Đông, hoa màu, cây ăn trái và các cây trồng khác. Tổ chức rà soát, chỉ đạo thu hoạch diện tích lúa Thu Đông trước khi ảnh hưởng trực tiếp từ lũ chính vụ để đảm bảo an toàn; đồng thời chỉ đạo xã nước lũ vào đồng sau khi thu hoạch.
Các kho tàng, bến bãi có kế hoạch kê kít hàng hóa lên cao hoặc di dời đến nơi cao ráo để đảm bảo an toàn, nhất là các kho hóa chất, thuốc trừ sâu cần đảm bảo an toàn tuyệt đối không để bị ngập nước, khuếch tán gây ảnh hưởng đến môi trường.
Chủ động tổ chức các đoàn đi thực địa kiểm tra, theo dõi, rà soát các khu dân cư ở ven sông, kênh rạch, vùng trũng thấp có nguy cơ bị sạt lở đất; kiên quyết chỉ đạo, vận động và tổ chức di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt cao đến nơi an toàn.
Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố…