Khoảng 22 năm trước, từ năm 2002, ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) nằm bên cạnh đường Kha Vạn Cân và Quốc lộ 13 được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 đối với khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu, quy mô hơn 41ha. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 568 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, trong đó ga Bình Triệu trở thành ga khách kỹ thuật phía Bắc. TP.HCM cũng ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 đối với khu đầu mối giao thông Bình Triệu. Đến năm 2021, theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ga Bình Triệu là ga đầu mối hành khách đường sắt quốc gia của khu vực đầu mối TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay, ga Bình Triệu vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải lập kế hoạch triển khai đầu tư. Do có vai trò quan trọng trong quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia và kết nối giao thông công cộng thành phố nên việc quy hoạch dự trữ khu ga Bình Triệu là cần thiết để ổn định quy hoạch sử dụng đất, quản lý tốt quỹ đất cho phát triển giao thông. Đồng thời, giúp ổn định quy hoạch sử dụng đất, quản lý tốt quỹ đất cho phát triển giao thông đường sắt, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hàng hóa không chỉ tại TP.HCM mà còn cho cả nước. Sau hơn 2 thập kỷ, việc quy hoạch ga Bình Triệu vẫn chưa được thực hiện. Ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện khu vực ga cỏ mọc um tùm, đường ray xuống cấp, xập xệ, các nhà dân hai bên ga cũng sống cảnh tạm bợ qua ngày. Bà Sơn (75 tuổi), người có hàng chục năm gắn bó với ngành đường sắt đã sống ở đây nhiều năm, cuộc sống của bà gắn liền với đường ray. Bà cho biết, vài chục năm trước, dự án ga Bình Triệu được quy hoạch với sự kỳ vọng của nhiều người, nhưng mãi đến nay vẫn chưa được triển khai. "Chúng tôi sống ở đây lâu dần thành quen, nếu quy hoạch bài bản thì dự án sẽ thay đổi diện mạo của ngành đường sắt, nhưng phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả vì nếu quy hoạch thì các gia đình sinh sống hai bên đường ray phải di dời đi hết, chúng tôi cần bố trí chỗ ăn ở hợp lý", bà Sơn nói. Nhiều căn nhà hai bên đường ray đều chung cảnh tạm bợ, đa phần nhà được lợp bằng tôn và đã xuống cấp. Dù sống trong cảnh chật chội, nhưng hầu hết mọi người đã quen vì họ sinh sống ở đây hàng chục năm, cả cuộc đời gắn bó bên đường sắt. Một số người dân thuê lại căn nhà bên ga để sinh sống, buôn bán qua ngày. Theo thống kê, hơn 3.000 hộ dân với hơn .000 nhân khẩu trong khu vực này gặp khó khăn sau nhiều năm dự án Ga Bình Triệu 'án binh bất động'. Bên cạnh những đoàn tàu nằm im suốt nhiều năm, các khu vực đất trống trong ga được người dân tận dụng để trồng các loại rau như mồng tơi, khoai lang, rau muống, rau dền... hầu hết các loại rau đều do những hộ dân là cán bộ ngành đường sắt sinh sống hai bên ga trồng. Con đường mòn bên dự án người dân di chuyển qua lại mỗi ngày, con đường này đã xuống cấp khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Liên quan đến dự án Ga Bình Triệu, UBND TP.HCM đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, để khai thác hiệu quả khu vực ga Bình Triệu, chức năng của ga đã được bổ sung, trở thành ga hành khách cho các tuyến đường sắt đô thị phục vụ các tuyến Metro quy hoạch mới (số 3, 6, 8). Đồng thời, khu vực này cũng được tổ chức quy hoạch theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng). Sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức lập đồ án chuyên ngành giao thông, trong đó sẽ nghiên cứu kế hoạch tổ chức đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị. Như vậy, sau hơn 20 năm quy hoạch 'treo', dự án Ga Bình Triệu chuẩn bị bước sang trang mới, nhiều người dân mong muốn các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện để góp phần phát triển, nâng tầm hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố.
Kim Sáng