Chuyển động

Hơn 100 người thiệt mạng do hậu quả của cơn bão Helene ở Mỹ

Hồng Anh 01/10/20 - 05:10

Ít nhất 107 người đã thiệt mạng bởi cơn bão Helene ở Florida, Georgia, Nam Carolina, Bắc Carolina, Tennessee và Virginia.

Ít nhất 107 người đã thiệt mạng sau khi mưa xối xả và lũ lụt do cơn bão Helene gây ra làm hỏng đường dây điện, cắt đứt liên lạc, sạt lở gây tắc nghẽn giao thông và thiếu hụt nguồn cung ở Đông Nam nước Mỹ.

helen6.png
Lũ lụt do cơn bão Helene bao trùm các đường phố ở Asheville, N.C., tháng 9/20. (Ảnh: EPA)

Các lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót và cung cấp đồ tiếp tế trên khắp Florida, Georgia, Bắc Carolina, Nam Carolina và Tennessee - những khu vực đang hứng chịu những trận mưa xối xả do cơn bão Helene gây ra.

helene5.png
Thiệt hại do bão gây ra hậu quả của cơn bão Helene ở Valdosta, Georgia, ngày 28/9/20. (Ảnh: AFP)

Người dân Đông Nam nước Mỹ - khu vực có địa hình chủ yếu đồi núi - đang phải đối mặt với tình trạng cắt điện, thiếu nguồn cung, giao thông và đường dây liên lạc bị cắt đứt.

helene9.png
Sông Rocky Broad chảy vào hồ Lure và tràn vào thị trấn, kéo theo các mảnh vỡ sau những trận mưa lớn từ cơn bão Helene, ngày 28/9/20. (Ảnh: Melissa Sue Gerrit/Getty)
helene10.png
Một người dân địa phương dọn dẹp những tảng đá bị cuốn trôi vào một đoạn đường ngập lụt khi cơn bão nhiệt đới Helene đổ bộ, ở ngoại ô Boone, Bắc Carolina, ngày 27/9/20. (Ảnh: Reuters)

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào các ứng cử viên Tổng thống và phản ứng của họ đối với thảm họa trong một khu vực có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vào ngày 30/9 đã đến thăm Valdosta ở Georgia - trung tâm chịu sự tàn phá nặng nề nhất của lũ lụt, và cũng là một tiểu bang quan trọng trong cuộc bầu cử căng thẳng sẽ được tổ chức 5 tuần tới.

Đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump, Phó Tổng thống Kamala Harris, đã hủy bỏ các sự kiện vận động tranh cử để trở về Washington tham dự một cuộc họp về phản ứng của liên bang đối với ảnh hưởng của bão Helene.

Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt khoản viện trợ liên bang cho một số bang sau thảm họa. Ông Biden cho biết, bão Helene "không chỉ là một siêu bão - đó là một trận cuồng phong lịch sử".

Ông cũng có kế hoạch đi đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vào thứ Tư hoặc thứ Năm tuần này, "ngay khi nó không làm gián đoạn các hoạt động ứng phó khẩn cấp", Nhà Trắng cho biết hôm 29/9. Tổng thống cho biết thêm rằng, Phó Tổng thống Harris cũng sẽ đến các khu vực này.

helene11.png
Đội lính cứu hỏa Whitefield của hạt Anderson di dời một cây đổ khỏi Quốc lộ 29 gần Jockey Lot, sau cơn bão Helene ở Williamston, SC, ngày 27/9/20. (Ảnh: USA TODAY)

Ngày 30/9, Thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper cho biết, hàng trăm con đường đã bị phá hủy và nhiều cộng đồng "bị xóa sổ".

"Đây là một cơn bão mạnh chưa từng có", ông cho biết. "Chúng tôi đang làm việc để tăng nguồn cung cấp. Tổn thất về tinh thần và thể chất ở đây là không thể diễn tả được. Các con sông vẫn đang dâng cao, vì vậy nguy hiểm vẫn chưa kết thúc", ông nói.

Ông cho biết, kế hoạch tái thiết dài hạn sẽ phải đối mặt với thực tế là thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn, "nhưng ngay bây giờ, chúng tôi đang tập trung vào việc cứu sống và cung cấp đồ tiếp tế cho những người đang gặp nguy hiểm".

Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đóng một vai trò nhất định trong sự gia tăng nhanh chóng của các cơn bão, bởi các đại dương đang ấm lên sẽ tạo ra nhiều năng lượng hình thành những cơn bão hơn.

Ít nhất 107 người đã thiệt mạng bởi cơn bão Helene ở Florida, Georgia, Nam Carolina, Bắc Carolina, Tennessee và Virginia. Con số dự kiến vẫn còn tiếp tục tăng.

Gần 2 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn không có điện ngày 30/9.

Siêu bão Helene đã đổ bộ phía Bắc Vịnh Florida vào đêm 26/9 với sức gió 140 dặm (225 km) mỗi giờ. Nó đã phá hủy một dải đất liền hơn 500 dặm.

helene3.png
Cơn bão Helene đã gây ra thiệt hại nặng nề cho miền Đông Nam nước Mỹ.

Hồng Anh