Tin địa phương

Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một phần trong sự phát triển của TP.HCM

Kim Sáng 06/10/20 - 13:01

Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá cao sự phát triển năng động của TP.HCM, hân hạnh là một phần trong sự phát triển của TP.HCM.

Sáng 6/10, trước khi có buổi nói chuyện với giới trẻ TP.HCM, Giáo sư (GS) Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum (WEF) và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có buổi đi bộ ngắm cảnh thành phố.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giới thiệu tổng quan về TP.HCM và biểu tượng hữu nghị quốc tế của thành phố - minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị giữa TP.HCM với các địa phương trên thế giới hướng đến mục tiêu cùng phát triển bền vững.

02.jpg
GS Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng các đại biểu ngắm cảnh thành phố ở Bến Bạch Đằng, quận 1.

Ngay sau đó, GS Schwab đã tham dự buổi nói chuyện với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và công dân trẻ tiêu biểu của thành phố với chủ đề “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”.

GS Klaus Schwab đã có những chia sẻ về bức tranh tổng quan của nền kinh tế tri thức gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, trong đó có Việt Nam, qua đó nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế tri thức.

03.jpg
Các đại biểu đi bộ tham quan TP.HCM.

Theo GS Klaus Schwab, người trẻ phải được trang bị kiến thức mới của thời đại 4.0 để xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, bền vững theo hướng chuyển đổi công nghiệp; giao lưu hỏi đáp với các doanh nhân trẻ, doanh nhân sáng tạo, doanh nhân khởi nghiệp, sinh viên tiêu biểu về vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong nền kinh tế tri thức, tầm quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Phát biểu tại buổi nói chuyện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, nền kinh tế tri thức chính là tương lai của thế giới, và những hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ sẽ là yếu tố quyết định thành công của quốc gia, địa phương đó; đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của giới trẻ không chỉ tri thức chuyên môn mà còn sự nhiệt huyết, tư duy đột phá và tinh thần dấn thân.

01.jpg
Các đại biểu trao đổi bên biểu tượng hữu nghị quốc tế của thành phố tại Bến Bạch Đằng.

Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.

"Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung. Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai", ông Mãi nói.

06.jpg
GS Klaus Schwab trò chuyện với giới trẻ TP.HCM.

Theo PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, những chia sẻ của Giáo sư Klaus giúp doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, trí thức trẻ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức.

05.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu.

Tiếp đó, GS Klaus Schwab cùng lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm, làm việc tại Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR).

Trung tâm này đánh dấu sự cộng tác giữa TP.HCM và WEF sau hơn 2 năm thảo luận, đã chính thức được ra mắt vào ngày 25/9 vừa qua dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi một lần nữa khẳng định sứ mệnh của C4IR tại TP.HCM là thúc đẩy quá trình thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh, trong đó có tích cực thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa…

07.jpg
GS Klaus Schwab trò chuyện với giới trẻ TP.HCM.

Đồng thời, trung tâm sẽ tăng cường hợp tác, kết với mạng lưới C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của thành phố, của vùng Đông Nam Bộ phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế; huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Trước đó, chiều 5/10, GS Klaus Schwab và Phu nhân cùng các cộng sự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chính thức đến thăm TP.HCM.

GS Klaus Schwab đánh giá cao sự phát triển năng động của TP.HCM, hân hạnh là một phần trong sự phát triển của TP.HCM, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội để WEF và TP.HCM có cơ hội tăng cường hợp tác, đặc biệt trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chuyển đổi xanh.

Dịp này, Giáo sư Schwab bày tỏ mong muốn lãnh đạo TP.HCM đến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2025.

Kim Sáng