Kinh tế

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản có hiện tượng "thổi giá"

Duy Tuấn 07/10/20 - 17:18

Bộ Xây dựng kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản có hiện tượng thổi giá, trục lợi; đồng thời thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất nhằm hạn chế về giá tăng cao đột biến và rủi ro pháp lý cho người mua nhà...

Chiều 7/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/20....

n1.jpg
Toàn cảnh họp báo.

3 nguyên nhân khiến bất động sản tăng đột biến

Trả lời báo chí về thực trạng giá nhà ở tăng cao thời gian qua, ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, có 3 nguyên nhân khiến tăng giá bất động sản tăng cao đột biến thời gian qua.

Thứ nhất, "do lệch pha cung cầu", tức nhu cầu lớn hơn nguồn cung ứng nhiều lần. Thứ hai, có việc "đội giá, thổi giá", vừa qua báo chí thông tin một số địa phương đấu giá quyền sử dụng đất như Hà Nội có tình trạng bỏ cọc...Thứ ba, chi phí đầu vào của nguồn cung bất động sản tăng cao như chi phí đầu tư xây dựng, tiền sử dụng đất...

hung1.jpg
Ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

6 giải pháp để giá bất động sản không còn bong bóng

Để giải quyết thực trạng trên, ông Hùng cho biết, Chính phủ đã có giải pháp từ chính sách pháp luật về chống thổi giá, thao túng thị trường quy định ở Bộ luật hình sự, Luật cạnh tranh, Luật đất đai. Đặc biệt, luật kinh doanh bất động sản 2023 quy định rõ việc cấm thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá.

Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 82; Bộ Xây dựng ban hành 2 văn bản về giải pháp xử lý tăng giá bất động sản...

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng; tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án có hiện tượng thổi giá, trục lợi, đề xuất giải pháp ngăn ngừa; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng về sử dụng đất đảm bảo nguồn cung thị trường; Đẩy mạnh công khai thông tin về thị trường bất động sản, các dự án nhà ở được phê duyệt nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo...

Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất nhằm hạn chế về giá tăng cao đột biến và rủi ro pháp lý cho người mua nhà.

Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành chính sách thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà đất đã được mua bán nhưng bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội. Tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, Thúc đẩy gói tín dụng 140 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Duy Tuấn