Tin địa phương

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tám

Khánh Ngọc 08/10/20 - 21:36

Ngày 8/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, tại TP Sa Đéc.

1(5).jpg
Ông Trần Văn Sáu Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp ghi nhận ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã có ý kiến về chuyên đề với công nhân lao động; lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Đối với Luật Việc làm, cử tri cho rằng, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, bị sa thải với bất kỳ vì lý do nào đó thì họ rất cần tiền để nuôi sống gia đình và bản thân.

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật trong trường hợp này không cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp để có tiền trang trải cuộc sống, họ có thể có những hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

3(3).jpg
Cử tri phát biểu ý kiến về Luật Việc làm tại buổi tiếp xúc

Đồng thời, theo quy định tại khoản 6, Điều 3 dự thảo Luật quy định: "Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp". Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh dự thảo Luật cho phù hợp với thực tế.

Theo cử tri, Luật Việc làm nên có chế tài xử phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

2(7).jpg
Quang cảnh tại buổi tiếp xúc cử tri

Trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng.

Về tài chính Công đoàn, dự thảo Luật Công đoàn tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình với mức kinh phí Công đoàn 2% nên đề nghị kinh phí Công đoàn do tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp theo tự nguyện và xem xét giảm mức kinh phí Công đoàn.

Qua ý kiến của các cử tri, ông Trần Văn Sáu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp ghi nhận, tiếp thu nội dung để có thông tin thực tiễn, làm cơ sở để Đoàn ĐBQH thảo luận góp ý đối với 2 dự án Luật này.

Dịp này, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trao 100 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Khánh Ngọc