Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản trao đổi với Bình Dương về các dự án cải tạo hạ tầng giao thông
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang mong muốn tìm hiểu thông tin về Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để có cơ sở tiếp tục triển khai các dự án phù hợp với định hướng của tỉnh.
Ngày 09/10, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã chủ trì tiếp ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, phụ trách các dự án ODA trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
JICA là cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua 3 hình thức hợp tác: Hợp tác kỹ thuật, hợp tác vốn vay và viện trợ không hoàn lại. Ông Fukuda Chihiro và ông Mai Hùng Dũng đã trao đổi cụ thể về các dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương.
Về lĩnh vực hạ tầng giao thông, JICA mong muốn có các thông tin về Quy hoạch tỉnh Bình Dương để thực hiện mục tiêu góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng thông tin cho JICA về quy hoạch, Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp và dịch vụ hiện đại có tầm quốc tế; có sức cạnh tranh cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao mức sống của người dân, thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về quy hoạch vành đai công nghiệp gắn với vành đai giao thông, Bình Dương đã quy hoạch khoảng 16.000 hecta đất để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Dương), sẽ có gần 200 km cao tốc qua Bình Dương, kết nối sân bay, cảng biển… Từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương.
Về phát triển các hành lang và vành đai công nghiệp, quy hoạch các hành lang kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, gắn kết với các hành lang giao thông kết nối liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ. Các khu công nghiệp sẽ phát triển theo mô hình gắn kết với các vành đai giao thông để thuận tiện cho vận tải và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho Bình Dương và toàn vùng Đông Nam Bộ.
Ông Mai Hùng Dũng mong muốn JICA tiếp tục hỗ trợ Bình Dương trong triển khai các dự án giao thông, góp phần cùng tỉnh triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Được biết từ năm 2008, JICA trở thành một trong những tổ chức phát triển song phương lớn nhất trên thế giới với mạng lưới 97 văn phòng ở nước ngoài, các dự án tại hơn 0 quốc gia và nguồn tài chính sẵn có khoảng 1 nghìn tỷ Yên (8,5 tỷ USD).
Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác của JICA ở Việt Nam gồm Thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường quản trị Nhà nước; bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống và thu hẹp khoảng cách phát triển.