Văn hóa - Du lịch

Khai mạc Triển lãm sách về xây dựng và phát triển Thủ đô

Minh Lý 09/10/20 - 18:14

Triển lãm giới thiệu đến công chúng và bạn đọc Thủ đô hơn 500 tư liệu quý hiếm cùng 2.850 tên sách, bộ sách có giá trị của các tác giả trong và ngoài nước; được trưng bày tại không gian trong nhà và ngoài trời. Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 13/10.

Triển lãm sách Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//20), tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.

Triển lãm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm nêu bật ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô; giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng.

Triển lãm đem đến công chúng và bạn đọc Thủ đô hơn 500 tư liệu quý hiếm cùng 2.850 tên sách, bộ sách có giá trị của các tác giả trong và ngoài nước; được trưng bày tại không gian trong nhà và ngoài trời. Những tư liệu, sách, ảnh tại triển lãm còn được trình chiếu dưới định dạng số hóa điện tử bằng các công nghệ hiện đại.

cac-dai-bieu-cat-bang-khai-mac-trien-lam..png
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Triển lãm bao gồm các không gian trưng bày trong nhà và ngoài trời theo một số chủ đề trọng tâm gồm: Hà Nội - Nghìn năm văn hiến, anh hùng; Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Hà Nội - Trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; Trưng bày một số cuốn sách tiêu biểu của từng giai đoạn đã được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh. Điểm nhấn của Triển lãm sẽ là khu vực ngoài trời với hai mô hình chủ đề “Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến” của NXB Đại học Thái Nguyên và “Hà Nội - Thủ đô vì hòa bình” của NXB Hà Nội cùng các gian trưng bày của nhiều NXB và đơn vị phát hành.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng nhiều công trình, tác phẩm nổi bật về Thủ đô ngàn năm văn hiến, về dấu mốc lịch sử Ngày tiếp quản Thủ đô như: Tủ sách 1000 năm Thăng Long của NXB Hà Nội; các tác phẩm văn học đi cùng năm tháng như “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng, “Lũy Hoa” của Nguyễn Huy Tưởng; “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam; “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài …

Đáng chú ý, các tư liệu, sách, ảnh được trưng bày tại Triển lãm cũng sẽ được trình chiếu dưới định dạng số hóa điện tử bằng các công nghệ hiện đại, nhằm lan tỏa mạnh mẽ những giá trị to lớn của sách không chỉ trong khuôn viên Triển lãm, mà cả trên không gian mạng, đưa Triển lãm đến gần hơn với bạn đọc, tạo không gian văn hóa đọc hấp dẫn đóng góp phần tạo nên những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản Thủ đô.

Trong khuôn khổ triển lãm, còn có nhiều hoạt động đem đến trải nghiệm phong phú như: Chương trình văn nghệ đặc sắc của nhân dân các dân tộc Việt Bắc (Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên thực hiện); tọa đàm, giới thiệu cuốn sách “Tóm lược Chuyển đổi số - Chiến lược và lộ trình” (Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức) nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10)…

Triển lãm và các hoạt động sẽ diễn ra đến hết ngày 13/10/20.

Minh Lý