Chính trị

Phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong phát triển đất nước

11/10/20 - 08:38

Những thành tựu đạt được trong hai chuyến công tác đối ngoại đa phương vừa qua của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là minh chứng thuyết phục về đường lối ngoại giao đúng đắn, ổn định và bền vững mà Việt Nam đang lựa chọn.

Chuyến công tác đối ngoại đa phương vừa qua của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là minh chứng thuyết phục về đường lối ngoại giao đúng đắn, ổn định và bền vững mà Việt Nam đang lựa chọn.
Chuyến công tác đối ngoại đa phương vừa qua của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là minh chứng thuyết phục về đường lối ngoại giao đúng đắn, ổn định và bền vững mà Việt Nam đang lựa chọn.

Ngày 8/10 vừa qua, chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội kết thúc thành công chuyến công tác thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Trước đó, từ ngày 21 đến 27/9, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79; gặp, thăm hỏi và làm việc với nhiều cá nhân, chính khách nước ngoài, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tại Mỹ; thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Cuba. Trong hai chuyến công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn Việt Nam đã tham gia tổng cộng gần 130 hoạt động song phương và đa phương, đạt được ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Qua đó, chuyển tải tới bạn bè quốc tế thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng và ở cấp cao nhất về đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, thể hiện khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thể hiện sự coi trọng và ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; đồng thời, chia sẻ những nhận định, và cùng các nước đề ra các định hướng chính sách quan trọng nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Những kết quả thu được trong hai chuyến công tác đối ngoại đa phương vừa qua là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, bản sắc riêng, thông qua những cam kết cụ thể, sáng kiến thiết thực và đóng góp tương xứng với vai trò, vị thế của quốc gia.

Trong đó, mối quan hệ ngày một đi vào chiều sâu giữa Việt Nam với các diễn đàn, thể chế quốc tế đã và đang đóng một vai trò tích cực khi đất nước ta tranh thủ tối đa được sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế và các đối tác quan trọng về nguồn lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số góp phần phát triển đất nước, cũng như về bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định.

Đồng thời, điều này cũng mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia ngày một chủ động, tích cực nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân. Những tín hiệu tươi sáng trong hai chuyến công du vừa qua của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã mở ra cơ hội mạnh mẽ để Việt Nam nhận thêm sự ủng hộ, tín nhiệm của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, việc ký kết tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác truyền thống và đối tác mới trong hai chuyến công tác của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng tạo ra những bước tiến mới, mang tính đột phá, thực chất, các bên cùng có lợi. Niềm tin của các quốc gia đối với Việt Nam đã được khẳng định bằng việc ký kết thông qua một số lượng lớn tuyên bố chung, văn kiện, bản ghi nhớ hợp tác.

Những thành tựu đạt được trong hai chuyến công tác đối ngoại đa phương của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là minh chứng thuyết phục về đường lối ngoại giao đúng đắn, ổn định và bền vững mà Việt Nam đang lựa chọn. Đường lối đối ngoại đặc sắc ấy được xây dựng trên cơ sở đúc kết, phát triển từ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Có thể tự tin khẳng định rằng chính đường lối đối ngoại mang bản sắc "cây tre Việt Nam" đã góp phần quan trọng đưa đất nước từ thế bị bao vây, cấm vận nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 31 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ với khoảng 230 thị trường tại các châu lục.

Điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong Bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia: "Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Truyền thống của người Việt Nam là "giàu vì bạn". Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu cao cả nêu trên nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế".

Tuy nhiên, với cách nhìn cực đoan, phiến diện, thiếu thiện chí, một số tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục tuyên truyền luận điệu sai sự thật, thiếu khách quan, không chính xác về đường lối đối ngoại của Việt Nam, kêu gọi Liên hợp quốc và các quốc gia dùng công cụ đối ngoại để gây sức ép đối với Việt Nam trong việc lựa chọn lập trường về một số vấn đề còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều; chính trị hóa sự khác biệt trong quan điểm về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và một số quốc gia EU để chia rẽ đoàn kết quốc tế.

Bằng cách phủ nhận những nỗ lực trong công tác đối ngoại mà nước ta đã đạt được thời gian gần đây, các đối tượng bộc lộ dã tâm muốn Việt Nam suy yếu, bị các quốc gia xa lánh, cô lập trên trường quốc tế. Bởi vậy các thế lực thù địch đã "quan tâm đặc biệt" đến hai chuyến công tác đối ngoại đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam từ đó ra sức xuyên tạc bản chất cũng như kết quả của hai chương trình ngoại giao này.

Cụ thể là ngay khi nắm được lịch trình dự kiến, các đối tượng đã lên mạng xã hội, kích động một số phần tử cực đoan, lưu vong ở nước ngoài thực hiện các cuộc biểu tình trực tuyến và trực tiếp hòng ngăn cản nguyên thủ, chính khách và lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế tiếp xúc, làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhân danh các hoạt động bảo vệ nhân quyền, một số tổ chức, cá nhân đưa ra yêu sách phi lý đòi Việt Nam trả tự do cho những đối tượng vi phạm pháp luật, đang thực hiện án phạt tù ở trong nước nhưng được chúng khoác lên vỏ bọc "tù nhân lương tâm", "nhà hoạt động nhân quyền".

Với âm mưu xảo quyệt, thâm hiểm qua cách cố tình phóng đại, tô đậm một số hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong khi tìm nhiều cách xóa nhòa các hoạt động ngoại giao quan trọng có ý nghĩa khác, các thế lực thù địch thêu dệt hàng loạt kịch bản xuyên tạc sự thật trắng trợn.

Nổi lên là các luận điệu như chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến Hoa Kỳ chỉ nhằm mục đích "củng cố quyền lực mềm", Việt Nam tiếp tục "đi dây" trong quan hệ các nước lớn, sử dụng hoạt động ngoại giao với Hoa Kỳ để né tránh "vấn đề" nhân quyền. Các đối tượng phủ nhận một thực tế, kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ luôn dựa trên sự tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tuy còn một số vấn đề khác biệt nhưng hai bên đều chủ động đối thoại thẳng thắn, tìm ra định hướng chung, không để ảnh hưởng đến đà hợp tác tích cực của quan hệ hai nước. Theo đó, cả hai nước đều hướng đến mục tiêu góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam luôn kiên định với chính sách "bốn không": không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Dù cố tình làm sai lệch nội dung, ý nghĩa quan trọng của hai chuyến công tác ngoại giao đa phương của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các đối tượng chống phá đã không thể bác bỏ sự thật hiển nhiên là hai chuyến công tác này đã thể hiện rất rõ lập trường của Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương.

Đường lối này được thể hiện bằng các cam kết của Việt Nam tại hai diễn đàn đa phương Liên hợp quốc và Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Bên cạnh đó, hai chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đến Cuba và Mông Cổ đã thể hiện rõ tình hữu nghị thắm thiết, thủy chung lâu bền giữa nước ta và bạn bè quốc tế.

Sự kiện Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mông Cổ, nâng cấp quan hệ Việt Nam-Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện là dấu mốc quan trọng nhưng không hề "bất thường" như sự rêu rao ác ý của một số cá nhân, tổ chức mà điều này nằm trong chiến lược nâng tầm, nâng cấp và tranh thủ tối đa cơ hội từ các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Từ đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương thức, các kênh đối ngoại như ngoại giao cấp cao, ngoại giao chuyên ngành, đối ngoại địa phương, các kênh học giả và doanh nghiệp.

Những thành công của đường lối đối ngoại Việt Nam đã và đang được nhiều học giả nước ngoài nghiên cứu, bình luận và đánh giá cao, xem đây là hình mẫu quốc tế để các quốc gia tham khảo.

Theo nhà báo, học giả Gastón Fiorda, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh quốc gia Argentina (RNA), Việt Nam đã thể hiện tính thực tế, sự hiểu biết và khả năng thích ứng của mình để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc đổi mới, bảo vệ và nâng cao vị thế đất nước.

Tương tự, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam Pedro De Oliveira đã nhận định, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc gìn giữ hòa bình và hợp tác phát triển, tiến bộ trên thế giới.

Sự thành công từ hai chuyến công tác đối ngoại đa phương vừa qua của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định sự kiên định và tính đúng đắn khi chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.

Đồng thời là minh chứng thuyết phục nhất để làm rõ, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch do một số tổ chức, cá nhân dựng nên hòng làm sai lệch bản chất đường lối đối ngoại mà Đảng ta đề ra và kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua.