Tinh thần Việt Nam, tầm nhìn Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, từ ngày 8 - 11/10, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào có chủ đề “Thúc đẩy Kết nối và Tự cường” đã kết thúc tốt đẹp, khép lại năm Chủ tịch ASEAN 20 của Lào với những dấu ấn riêng biệt.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị đã đóng góp hiệu quả vào tất cả các hoạt động, truyền tải thông điệp quan trọng về ASEAN và tương lai ASEAN; khẳng định hình ảnh Việt Nam chủ động, tích cực, trách nhiệm, chân thành và hữu nghị; thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, góp phần vào mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và thế giới.
Gắn kết để phát triển với tư duy, tầm nhìn, động lực, tâm thế và tầm mức mới
Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là chuỗi hoạt động cấp cao quan trọng nhất của ASEAN trong năm, với sự tham dự của 30 lãnh đạo các nước ASEAN, Timor Leste, các đối tác của ASEAN, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, với tổng số khoảng 2.000 đại biểu.
Với hơn 20 hoạt động, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Các Hội nghị đã thông qua và ghi nhận khoảng 90 văn kiện về nhiều ưu tiên, lĩnh vực hợp tác cả nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Qua đó, tinh thần kết nối và tự cường không chỉ để lại dấu ấn đậm nét tại các Hội nghị lần này mà còn sẽ được lan tỏa và phát huy mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Thông qua khoảng 60 hoạt động cả đa phương và song phương trong dịp này, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự các Hội nghị đã chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng về ASEAN và tương lai của ASEAN; khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong ASEAN; đồng thời phối hợp, hỗ trợ, ủng hộ, góp phần cùng Lào đảm nhiệm thành công năm Chủ tịch ASEAN 20, qua đó cũng tăng cường tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề đang đặt ra hiện nay cho ASEAN và khu vực, cùng các nước thảo luận tìm kiếm hướng đi và giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác và liên kết khu vực, củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời, chủ động trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, ASEAN tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu, là cầu nối của đối thoại, hợp tác, và là tâm điểm của các tiến trình hội nhập, liên kết ở khu vực. Các khuôn khổ về kinh tế số, kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn… đang từng bước định hình nội hàm hợp tác mới ở khu vực.
Hoan nghênh chủ đề ASEAN 20 là “Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá, và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt.
Cho rằng ASEAN đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới với tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới và tâm thế mới, và với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho hợp tác khu vực, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ các định hướng quan trọng cho ASEAN trong thời gian tới; nhấn mạnh: Tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động; thúc đẩy kết nối bên trong kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công - tư, kết nối đa lĩnh vực; đổi mới sáng tạo là sức bật và động lực chính cho ASEAN bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với khu vực và thế giới.
Đề xuất 3 định hướng triển khai quan hệ ASEAN với các đối tác
Dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu…, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ba định hướng triển khai quan hệ ASEAN với các đối tác tương xứng với tầm mức mới: Đóng góp trách nhiệm hơn cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực; thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác kinh tế, trọng tâm là kết nối các nền kinh tế, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục, đào tạo; hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, toàn diện và phát triển bền vững, nhất là đối với các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, Thủ tướng chia sẻ và đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước ASEAN cũng tham dự các phiên đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và Thanh niên ASEAN.
Thủ tướng đề nghị các nghị viện thành viên đoàn kết, hỗ trợ nhau xây dựng thể chế, góp phần bảo đảm tính tự cường, kết nối, toàn diện và bao trùm của phát triển; phát huy vai trò giám sát tối cao, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chính phủ tham gia và đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu phát triển và tự cường của mỗi quốc gia.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, Thủ tướng đề nghị tham gia sâu hơn vào giải quyết các vấn đề lớn ở khu vực như biến đổi khí hậu, môi trường, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ, kết nối quản trị thông minh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và tham gia bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững và bao trùm…
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN; đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN thực hiện “5 tiên phong” để đóng góp cùng các nước ASEAN tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường và là tâm điểm của tăng trưởng, ủng hộ các Chính phủ thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.
Trong cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt của Thủ tướng 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN, Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN tiếp tục hợp tác, ủng hộ, góp phần giúp 3 nước nâng tầm gắn kết kinh tế ngang tầm gắn kết về địa lý, lịch sử và quan hệ chính trị - ngoại giao; cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ cùng Chính phủ Lào, Chính phủ Campuchia tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả.
Mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, giàu tiềm năng
Trong 4 ngày tại Viêng Chăn, cùng với chương trình nghị sự dày đặc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN gồm: Quốc vương Brunei, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Australia, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Canada, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu…
Tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi về hợp tác song phương, thống nhất được một số cơ chế, các định hướng, ưu tiên thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới, nhất là tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cho hàng hoá vào thị trường của nhau; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn, nhất là các dự án bến cảng, sân bay, đường sắt tốc độ cao…
Đặc biệt, duy trì cơ chế ăn sáng làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia, 3 Thủ tướng nhấn mạnh truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam - Campuchia - Lào là tài sản quý giá, là nền tảng phát triển quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau và là yếu tố then chốt trong thúc đẩy đoàn kết, gắn bó giữa ba nước.
Đánh giá nhiều cơ chế hợp tác ba bên đã được hình thành và phát huy hiệu quả, 3 Nhà lãnh đạo nhất trí tìm giải pháp phát triển các cơ chế hợp tác theo hướng hiệu quả, thực chất hơn, vì lợi ích của người dân ba nước, vì Cộng đồng chung ASEAN và tiếp tục đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Thủ tướng cũng sắp xếp thời gian làm việc với lãnh đạo các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn trên thế giới như Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á, Ngân hàng Thế giới…; đề nghị các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ, cung cấp các khoản vay ưu đãi để Việt Nam triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, cảng biển, sân bay lớn…
Quan hệ Việt Nam – Lào rất đặc biệt, không ngừng vun đắp
Cho rằng quan hệ Việt Nam – Lào là quan hệ hết sức đặc biệt, vừa là đồng chí, vừa là anh em, trong chuyến công tác, Thủ tướng đã có các cuộc gặp với lãnh đạo cao nhất của Lào là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội Lào nhằm thảo luận tăng cường quan hệ hai nước.
Mặc dù thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, song khi gặp lại nhau, Thủ tướng và các lãnh đạo cấp cao của Lào vẫn tay bắt, mặt mừng, trọng thị, chu đáo như những người anh em thân thiết, khách quý đặc biệt đã lâu không gặp.
Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Lào khẳng định hai bên đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, luôn nỗ lực vun đắp và đưa quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, hết sức nhanh chóng, khó lường.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao hai nước, trong đó có kết quả cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào gần đây; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các kênh để không ngừng củng cố quan hệ chính trị tin cậy đặc biệt và bền chặt; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tăng cường kết nối toàn diện hai nền kinh tế, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, giao thông, đầu tư, du lịch…
Làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam phải quán triệt tinh thần chân thành, tin cậy, cởi mở, thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp xây dựng các đề án, dự án cụ thể để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nhấn mạnh quan điểm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả trong triển khai các dự án hợp tác với Lào.
Thăm Công ty Star Telecom (Unitel) - liên doanh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), được cho là biểu tượng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kinh tế, an sinh xã hội, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, trên tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".
Chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đạt kết quả toàn diện; triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030; tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; làm gia tăng độ tin cậy, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả vì hoà bình, hợp tác, phát triển của mỗi nước, trong khu vực và quốc tế.