Giao thông

Đề nghị làm rõ khả năng cân đối hơn 67 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam

Gia Khánh /10/20 21:51

Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ, tiếp thu tối đa và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

dsbn-1708340934136572621836.png
Ảnh minh họa

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước đã chủ trì cuộc họp Hội đồng để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Đáng chú ý, trong thông báo kết luận, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu kỹ các báo cáo kết quả thẩm định, thẩm tra, ý kiến của các thành viên Hội đồng, ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan, tiếp thu tối đa và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tập trung vào một số nội dung cụ thể.

Theo đó, về hồ sơ Dự án, trên cơ sở các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT tiếp thu, rà soát kỹ và bổ sung đầy đủ trong nội dung hồ sơ Dự án bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Về dự báo nhu cầu vận tải, rà soát kỹ về số liệu dự báo nhu cầu vận tải (hành khách, hàng hóa) trên hành lang Bắc-Nam bảo đảm sự tin cậy và phù hợp, tương đồng với các dự án trên thế giới.

Về hướng tuyến, vị trí của nhà ga, giải trình rõ việc tiếp thu chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, đặc biệt là các yếu tố kỹ thuật hướng tuyến phải thẳng nhất có thể để giảm chi phí (đặc biệt đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định), bảo đảm tốc độ khai thác cho các đoàn tàu, tạo không gian phát triển mới, tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp, thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; thuận tiện liên kết hành lang Đông-Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến ĐSTĐC đi qua rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của Dự án, nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế.

Về tốc độ khai thác, thuyết minh kỹ các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường với tốc độ thiết kế 350km/giờ trong việc khai thác tàu hàng container.

Về quy mô nhà ga, thuyết minh làm rõ quy mô nhà ga đáp ứng các nhu cầu hoạt động phụ trợ như bãi đỗ xe, kết nối với các phương tiện giao thông khác…, diện tích tối thiểu theo thông lệ quốc tế. Hội đồng thẩm định nhà nước lưu ý, các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.

Về phương án đầu tư và hiệu quả Dự án, Hội đồng đề nghị Bộ GTVT làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục Dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án, thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay.

Cùng với đó, rà soát lại nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả tài chính của Dự án cho phù hợp, đặc biệt là số liệu tính toán hiệu quả tài chính.

Về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, thuyết minh làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.

Về cơ chế, chính sách đặc biệt, rà soát tổng thể các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt nêu trong hồ sơ, tài liệu Dự án; rà soát kỹ lưỡng, làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết đối với Dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện. Làm rõ các đề xuất cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ; tìm kiếm vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có chi phí thấp. Nghiên cứu, xem xét các đề xuất của Thành viên Hội đồng, trong đó có đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép trong bước tiếp theo điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.

Đối với một số nội dung khác, Hội đồng thẩm định đề nghị rà soát tổng thể số liệu nêu trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án với các tài liệu; làm rõ, tăng cường khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao; ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lợi thế của hình thức đầu tư công so với các hình thức khác, nhất là đối với các đoạn không có ưu thế phát triển đường sắt; làm rõ tính khả thi của việc thực hiện Dự án theo đúng tiến độ, thời gian thực hiện Dự án.

Như Báo Công lý đã thông tin, để sớm hoàn thành tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.

Quy mô đầu tư sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.

Nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha. Hình thức đầu tư là đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Nguồn vốn dự kiến lấy từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn trái phiếu chính phủ, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc,... Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Về tiến độ thực hiện, Dự án sẽ triển khai GPMB toàn tuyến, khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028-2029.

Gia Khánh