Chuyển động

Máy bay không người lái của Hezbollah "lọt lưới" hệ thống phòng không của Israel như thế nào?

Ngọc An 16/10/20 - 06:44

Israel hiện đang tiến hành một cuộc điều tra toàn diện sau khi hệ thống phòng không của nước này không thể ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Hezbollah vào căn cứ huấn luyện quân sự của Lữ đoàn Golani hôm Chủ nhật. Vụ tấn công đã gây ra thiệt hại nặng nề, làm ít nhất bốn binh sĩ thiệt mạng và hơn 60 người bị thương.

he_thong_phong_khong_hien_dai.jpg
Sở hữu hệ thống phòng thủ hiện đại nhưng Israel vẫn để "lọt lưới" máy bay không người lái của lực lượng Hezbollah

Sự việc này đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ mà Israel luôn tự hào, đặc biệt là hệ thống Iron Dome. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn này dù được thiết kế chủ yếu để đánh chặn tên lửa, cũng có khả năng bắn hạ các máy bay không người lái “tấn công một chiều” – loại máy bay cánh cố định mang thuốc nổ bay ở tầm thấp, tránh khỏi tầm nhìn của radar thông thường.

Ngoài Iron Dome, Israel còn sở hữu nhiều hệ thống phòng thủ khác để đối phó với máy bay không người lái, bao gồm Drone Dome – một tổ hợp radar nhỏ nhưng mạnh mẽ, cung cấp tầm quan sát 360 độ, kết hợp với hệ thống gây nhiễu điện tử và tia laser công suất lớn.

Tuy nhiên, bất chấp những công nghệ tiên tiến, máy bay không người lái của Hezbollah vẫn có thể tấn công chính xác vào căn cứ quân sự quan trọng của Israel.

Máy bay không người lái cỡ nhỏ nhưng...có võ

Theo báo cáo của Times of Israel, loại máy bay được Hezbollah sử dụng trong cuộc tấn công này là Mirsad, một biến thể của Ababil-T do Iran sản xuất.

Nó có nhiều chức năng, bao gồm thu thập thông tin tình báo và trong một số trường hợp, là máy bay không người lái tự sát. UAV này được Hezbollah triển khai lần đầu tiên vào năm 2004, nó đã 2 lần xâm nhập thành công không phận Israel vào tháng 11/2004 và 4/2005.

Với khả năng bay xa đến 120 km, căn cứ quân sự của Israel nằm ở ranh giới hoạt động của loại máy bay này, giả sử nó cất cánh từ biển và di chuyển vào đất liền như Israel khẳng định.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Alma của Israel, Mirsad có khả năng mang theo 40 kg thuốc nổ và nặng khoảng 80 kg. Những chiếc máy bay không người lái này thường bay ở độ cao thấp, khoảng vài trăm mét, khiến việc phát hiện và tiêu diệt trở nên khó khăn hơn đối với các hệ thống radar cũ.

mirsad.jpg
Máy bay không người lái Mirsad-1 của Hezbollah. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Seth Frantzman, tác giả của cuốn sách Drone Wars: Pioneers, Killing Machines, Artificial Intelligence, and the Battle for the Future, nhận xét rằng: “Hầu hết các lực lượng ủy nhiệm của Iran, bao gồm cả Hezbollah, sử dụng các mẫu máy bay không người lái tương tự.

Chúng không có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không thể tìm ra những lộ trình phức tạp để tránh bị phát hiện trong suốt một phần quãng đường bay."

So sánh với các loại máy bay không người lái cỡ lớn như MQ-9 Reaper của Mỹ – loại thường được sử dụng trong các cuộc tấn công chống lại Taliban – thì Mirsad nhỏ hơn rất nhiều.

Reaper thuộc hạng 5 của NATO, nặng tới 4,7 tấn và có khả năng bay hàng ngàn km. Trong khi đó, Mirsad chỉ thuộc hạng 2, với trọng lượng nhẹ và tầm bay ngắn, nhưng đủ để thực hiện các cuộc tấn công chính xác từ khoảng cách xa.

Lỗ hổng của các hệ thống radar cũ

Máy bay không người lái bay thấp và có kích thước nhỏ của Hezbollah đã gây ra thách thức lớn cho các hệ thống radar cũ của Israel, vốn được thiết kế để phát hiện các vật thể bay lớn và ở độ cao lớn hơn.

Khi bay ở độ cao khoảng 100 mét, những chiếc máy bay này có thể lọt qua radar do đường chân trời bị che khuất bởi độ cong của Trái đất hoặc bởi các địa hình đồi núi.

radar.png
Bay ở độ cao thấp có thể là cách để máy bay không người lái vượt qua hệ thống radar

Một yếu tố khác là hầu hết các radar truyền thống sử dụng phương pháp quét sóng radio cơ học, tương tự như cách một ngọn đèn pin xoay để chiếu sáng.

Điều này khiến việc phát hiện máy bay không người lái trở nên khó khăn khi chúng xuất hiện từ các hướng bất ngờ. Các hệ thống radar hiện đại như Drone Dome sử dụng công nghệ mảng quét điện tử chủ động (AESA), giúp cung cấp khả năng quét liên tục 360 độ, giống như một bóng đèn thắp sáng toàn bộ khu vực.

Drone Dome cũng được trang bị camera hồng ngoại có thể giám sát các mục tiêu từ khoảng cách tới 8 km. Tương tự, hệ thống Iron Dome cũng sử dụng công nghệ radar tiên tiến như ELM-2084 AESA để cung cấp phạm vi quét toàn diện.

Báo cáo từ Israel cho biết, một trong hai chiếc máy bay không người lái của Hezbollah đã bị bắn hạ trên biển, có thể là do máy bay chiến đấu hoặc trực thăng của Israel. Tuy nhiên, chiếc thứ hai đã biến mất khỏi radar, dẫn đến cuộc tấn công thảm khốc.

Điều này cho thấy có khả năng các máy bay Israel thiếu hệ thống radar "nhìn xuống/bắn xuống" – loại có khả năng phát hiện các vật thể bay thấp khỏi nền nhiễu địa hình như cây cối hay nhà cửa. Hezbollah tuyên bố đã thực hiện một đợt bắn phá bằng tên lửa cùng lúc với cuộc tấn công máy bay không người lái để khiến hệ thống Iron Dome bị quá tải.

Mối đe dọa từ máy bay không người lái ngày càng lớn

Cuộc tấn công của Hezbollah có nhiều điểm tương đồng với một vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào tháng Giêng năm nay nhắm vào lực lượng Mỹ tại căn cứ Tháp 22 ở Jordan. Dù được trang bị hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu máy bay không người lái, căn cứ này lại thiếu hệ thống "tiêu diệt mạnh" để bắn hạ chúng.

may_bay_ko.jpg
Máy bay không người lái do Iran sản xuất

Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các trung tâm huấn luyện của cả lực lượng Nga và Ukraine cũng trở nên phổ biến. Các địa điểm này thường cách xa tiền tuyến, là nơi các binh sĩ cảm thấy an toàn khi tập trung thành nhóm lớn ngoài trời mà thiếu cảnh giác về các cuộc tấn công.

Có thể các binh sĩ Israel không nghĩ rằng vị trí của họ đã bị phát hiện hoặc tin rằng đối phương không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa như vậy. Tuy nhiên, Hezbollah sở hữu nhiều máy bay không người lái trinh sát có thể xâm nhập không phận Israel và có lẽ đã đưa căn cứ này vào tầm ngắm từ trước đó.

Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại ngày càng phức tạp, không chỉ công nghệ mà cả khả năng phối hợp, dự đoán và phản ứng nhanh nhạy của con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ. Cuộc tấn công của Hezbollah là lời nhắc nhở rằng ngay cả những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất cũng có thể bị đánh bại bởi những chiến lược tấn công tinh vi.

Ngọc An