Đời sống

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tiếp nhận kỷ vật quý từ gia đình chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

Quang Trung 20/10/20 :13

Sáng 20/10, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận kỷ vật quý giá, là khẩu súng K54, số hiệu 18366 của nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai.

Tham dự buổi lễ có ông Huỳnh Kiều (chồng bà Nguyễn Thị Mai), ông Huỳnh Đức Dũng, ông Huỳnh Phước (con trai bà Nguyễn Thị Mai).

Về phía Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, ông Trần Kiến Xương, Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam TANDTC (con trai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, người sáng lập Bảo tàng Sài Gòn - Gia Định); bà Nguyễn Thị Bích Hoa, Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Sài Gòn - Gia Định.

z5948966140225_3932c5217f1de984bf1c0d7cc442f1a4(1).jpg
Đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Mai trao kỷ vật cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Các thành viên CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang biệt động quân khu Sài Gòn - Gia định, CLB Truyền thống Kháng chiến phường 11, quận Tân Bình và chính quyền địa phương cùng tham dự buổi lễ.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/20), nhằm tôn vinh những chiến công thầm lặng của phụ nữ Việt Nam nói chung, và những bông hoa chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định nói riêng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tổ chức buổi lễ tiếp nhận khẩu súng K54, số hiệu 18366, được bà Nguyễn Thị Định (nguyên Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tặng cho bà Nguyễn Thị Mai (chiến sĩ đơn vị Biệt động 90C) nhân dịp Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Miền năm 1967.

q.jpg
Các thành viên CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia định và chính quyền địa phương chứng kiến lễ trao kỷ vật

Chiến sỹ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai mất vào tháng 3/20, buổi lễ tiếp nhận kỷ vật được tổ chức tại ngôi nhà của bà ở 272 Bàu Cát, Phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM để hương hồn của bà có thể chứng kiến giây phút này, như một lời hứa của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo quản hiện vật thật tốt, để nhân dân gần xa và thế hệ trẻ có cơ hội được tiếp xúc với những hiện vật quý báu này. Đó là trách nhiệm của không chỉ Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định mà còn của tất cả mọi người, trách nhiệm với lịch sử, với những chứng nhân lịch sử, với liện vật lịch sử.

Trực tiếp trao kỷ vật cho đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, ông Huỳnh Đức Dũng, con trai đầu của nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai chia sẻ, hôm nay là ngày rất trọng đại, ông và gia đình rất vinh dự và tự hào khi trao kỷ vật cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Lúc còn sống, mẹ ông vô cùng trân quý khẩu súng này và đã giữ gìn, bảo quản suốt 50 năm.

a(1).jpg
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định rất trân trọng, biết ơn gia đình đã giữ gìn kỷ vật hơn 50 năm qua

Theo tâm nguyện của bà trước khi mất, ba và gia đình ông đã quyết định trao lại cho bảo tàng trưng bày, lưu giữ để nhân dân đến tham quan, cũng như thế hệ sau có điều kiện tìm hiểu về lịch sử cũng như những chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn.

“Bà Nguyễn Thị Định tặng kỷ này cho mẹ Nguyễn Thị Mai là sự ghi nhận những công lao đóng góp của mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, ông Huỳnh Đức Dũng xúc động.

Ông Trần Vũ Bình chia sẻ, kỷ vật là khẩu súng K54 được nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng cho người có thành tích đặc biệt, bà Nguyễn Thị Mai. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định rất trân quý, xem là kỷ vật này rất đặc biệt, hiếm có. Trong chiến tranh những kỷ vật được tặng cho những người tiêu biểu, được gìn giữ cho đến ngày hôm nay, có giá trị rất to lớn đối với bảo tàng.

z5948968968738_76502c72ee7f1219cba26bff3b9a443f(1).jpg
Ông Trần Kiến Xương, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam TANDTC thăm hỏi sức khỏe ông Huỳnh Kiều (chồng bà Nguyễn Thị Mai)

Những kỷ vật quý sẽ được trưng bày lưu động cho thế hệ mai sau biết đến, từ đó hiểu, yêu và trân quý sự hòa bình, sự hy sinh của các cô chú đi trước, để sống sao cho xứng đáng, đó là mong muốn của bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

“Cô Nguyễn Thị Mai là người rất gan lì và chịu đựng. Là người rất hăng say hoạt động cách mạng, bị bắt, tra tấn, ra tù rồi tiếp tục hoạt động, chưa bao giờ ngừng nghỉ cho đến ngày giải phóng. Khi đất nước hòa bình, khó khăn về kinh tế cô đều vượt qua. Sự anh hùng của cô trải dài từ lúc trẻ đến lúc cô mất” - ông Trần Vũ Bình xúc động.

Bà Nguyễn Thị Mai tên thật là Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1943. Gia đình bà có truyền thống yêu nước, cách mạng, có cha, mẹ và có 4 anh chị em đều tham gia cách mạng, có 01 liệt sĩ. Bà tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1959. Năm 1960 do bị lộ, bà được tổ chức móc nối đưa vào hoạt động tại đơn vị Biệt Động 90C thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng tại Bảy Hiền, nuôi giấu cán bộ, xây dựng hầm chứa vũ khí.

Bà trực tiếp làm giao liên mật, tham gia vận chuyển vũ khí, trực tiếp tham gia các trận đánh diệt các tên tay sai, chỉ điểm có nợ máu với cách mạng. Bà nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng vẫn kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết của người đảng viên, người chiến sĩ cách mạng.

Quá trình công tác bà được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba; nhiều Huân Huy chương, Bằng khen. Năm 1967, bà được bình bầu Chiến sĩ thi đua và được tham dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn Miền năm 1967. Tại Đại hội bà được bà Nguyễn Thị Định, Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam tặng khẩu súng ngắn K54.

Quang Trung