Bình Dương là điểm đến công nghiệp hấp dẫn bậc nhất Đông Nam Á - Bài 2: 'Trải chiếu hoa' mời gọi đầu tư
Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Trương Văn Phong nói rằng, chính sách “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư của tỉnh đã tạo ra môi trường sản xuất chuyên nghiệp và năng động bậc nhất của Việt Nam.
Hệ sinh thái công nghiệp đặc thù
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cho biết, ngay từ đầu tỉnh Bình Dương đã xác định muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp cần ưu tiên vào hạ tầng giao thông, để phục vụ vận chuyển hàng hóa, kết nối liên tỉnh và liên vùng.
Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không có cảng hàng không, cảng biển nên Bình Dương thuộc nhóm các địa phương không có lợi thế trong việc vận chuyển xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Bù lại, tỉnh vẫn nằm ở vị trí tiếp giáp với TP.HCM có lợi thế về sân bay và cảng biển. Thông qua hệ thống giao thông đường bộ theo trục Bắc - Nam của Bình Dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ các KCN của Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tây Nguyên, các KCN phía Tây - Bắc Củ Chi của TP.HCM... dễ dàng kết nối đến các cảng biển, cảng sông và sân bay quốc tế.
Từ đó cho thấy, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương là rất quan trọng, không những đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tỉnh, mà còn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho cả khu vực. Bình Dương đã trở thành trung tâm logistics, có 5 tuyến đường huyết mạch hiện đại. Đó là đường Quốc lộ 13, đoạn đi qua Bình Dương có một cái tên rất đặc biệt là Đại lộ Bình Dương; Đường Mỹ Phước Tân Vạn được hình thành từ chính sách xây dựng trục giao thông huyết mạch của Bình Dương, chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, kết nối các KCN trên địa bàn và giảm tải cho tuyến Quốc lộ 13;
Đường Vành Đai 4 có tổng chiều dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh thành là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An; Đường DT741 là tuyến đường liên tỉnh kết nối giao thông giữa các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên; Đường ĐT 745 giao với Quốc lộ 13, đi qua dọc theo ven sông Sài Gòn qua địa bàn phường Lái Thiêu, phường Bình Nhâm, phường Hưng Định, phường An Thạnh, TP. Thủ Dầu Một…
Theo ông Trương Văn Phong, các KCN ở Bình Dương đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội là nhờ có đặc thù, bản sắc riêng. Khi đó, thay vì chọn mô hình khu chế xuất, Bình Dương mô hình KCN. Lịch sử đã chứng minh, chủ trương này là đúng đắn vì phù hợp với các điều kiện cả chủ quan lẫn khách quan. Chọn mô hình KCN, tỉnh đã thu hút được cả doanh nghiệp vốn nước ngoài và vốn trong nước, sản xuất hàng hóa cho cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; Không bị biệt lập về thuế quan, ít khó khăn phức tạp trong các quy định thủ tục về đăng ký đầu tư, quy hoạch, tăng vốn mở rộng sản xuất.
Bình Dương đã xây dựng khung tiêu chí và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển các KCN nghiệp sinh thái, thông minh, khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ; Trong đó có các KCN do nhà nước thành lập, quản lý như Becamex IDC (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP), có KCN liên doanh với nước ngoài, tiêu biểu là KCN VSIP và có KCN tư nhân.
Doanh nghiệp nhà nước của tỉnh ngày càng giữ vị trí nòng cốt, có vai trò chi phối mạnh mẽ trong việc định hình và phát triển các KCN, với vai trò “đầu tàu” là Becamex IDC. Quá trình hình thành và phát triển các KCN luôn gắn liền với việc hoàn thiện dần quy hoạch công nghiệp, tránh sự phát triển manh mún, tự phát. Hầu hết các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải đủ chuẩn. Các thiết chế về văn hóa, xã hội, bảo vệ trật tự trị an của tỉnh cũng dần kiện toàn ở vùng có các KCN trú đóng…
Dù vậy, Bình Dương một mặt vẫn phải khắc phục những tồn tại về Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; Sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng; Lĩnh vực văn hóa, xã hội có mặt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được chuẩn hóa, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao; Công tác cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm so với tốc độ phát triển.
Mặt khác, Bình Dương vẫn luôn cảnh giác với việc phát triển “nóng” các KCN, để tránh những hậu quả về môi trường, hạ tầng kỹ thuật, thâm dụng lao động và những vấn đề xã hội khác có thể nảy sinh.
Khu công nghiệp phủ rộng toàn tỉnh
Ban Quản lý các khu Công nghiệp Bình Dương đánh giá: Trước năm 2010, việc thu hút đầu tư ồ ạt vào tỉnh chưa có chọn lọc, chưa định hướng kỹ đã để lại nhiều hậu quả phải xử lý về hạ tầng, về nhà ở, ô nhiễm môi trường, cụ thể là ở địa bàn các huyện phía Nam của tỉnh.
Từ năm 2010 trở đi, Bình Dương đã chủ trương chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, không phát triển tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp như giai đoạn trước; Chủ trương thu hút đầu tư có soát xét, chọn lọc kỹ hơn các dự án có công nghệ kỹ thuật cao, ít thâm dụng lao động, ít gây ô nhiễm môi trường, không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá và không ồ ạt mở thêm nhiều KCN mà đi vào tái cơ cấu, nâng chất toàn bộ nền kinh tế địa phương trong cơ cấu và hoạt động.
Giai đoạn từ năm 20 đến nay, địa phương phát triển KCN theo mô hình công nghiệp - dịch vụ - đô thị và từng bước triển khai, tiếp cận mô hình KCN sinh thái (tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp);
Giai đoạn này việc thu hút đầu tư vào KCN được lựa chọn theo các tiêu chí như: Chọn lọc thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường;
Công nghệ sạch bảo đảm về môi trường; Các ngành công nghiệp hỗ trợ; Các nhà đầu tư, đối tác lớn có năng lực về tài chính và kinh nghiệm đầu tư; Tập trung có chọn lọc, lựa chọn các dự án quy mô lớn, có tính cạnh tranh cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia vào các KCN...
Để tiếp tục triển khai thực hiện việc phát triển các KCN, Ban Quản lý các KCN đã tham mưu, đề xuất tỉnh chuyển 4 KCN chưa được thành lập và bổ sung thêm KCN mới vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, đến năm 2050 toàn tỉnh sẽ có tổng số 48 KCN, với tổng diện tích là 25.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đạt 93%.
Tỉnh Bình Dương hiện đang tích cực triển khai các KCN đã được phê duyệt. Điển hình như: Khu công nghiệp VSIP III (1.000 ha): Giai đoạn 1 của KCN đã đi vào hoạt động với diện tích đất 196 ha, bước đầu đã thu hút được nhiều dự án; Trong đó có một số dự án lớn như: Lego (1,32 tỷ USD), Pandora (163 triệu USD).
Phần giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, chủ đầu tư cũng triển khai các bước tiếp theo để có thể tiến hành thu hút đầu tư; KCN Cây Trường (700 ha) đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về xây dựng để đưa KCN vào hoạt động;
KCN Nam Tân Uyên mở rộng (634 ha), hiện đang hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, chờ phê duyệt đơn giá thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất để làm cơ sở cho thuê đất và thu hút các dự án đầu tư; KCN Đất Cuốc mở rộng (310 ha) hiện đang tiến hành lập Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 để triển khai các bước tiếp theo.
Tổng diện tích đất còn lại đầy đủ pháp lý để có thể cho thuê trong các KCN trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 638 ha. Tuy nhiên, phần diện tích này nằm rải rác trong 27/28 KCN đang hoạt động và hầu hết là các lô đất nhỏ, xen kẽ hoặc ở dạng nhà xưởng cho thuê. Riêng KCN VSIP III còn khoảng 20 ha và KCN Bàu Bàng mở rộng còn khoảng 10 ha đất sạch đủ pháp lý để thu hút đầu tư...
Còn tiếp...