Đời sống

Đồng Nai phấn đấu trở thành trung tâm logistics của cả nước và khu vực

S.H 22/10/20 - 12:10

Tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, để hướng tới các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tổng hợp; trong đó tập trung vào các lĩnh vực then chốt như đào tạo và logistics…

Lấy con người là trung tâm phát triển

Trong Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu địa phương tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá”. Cụ thể, “1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tỉnh Đồng Nai tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá”

“2 tăng cường” là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người, trong đó, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và chuỗi, kết nối thị trường.

“3 đột phá” là phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội; đột phá phát triển công nghiệp công nghệ cao phục vụ chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới; đột phá ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong mọi mặt sản xuất, đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Đồng Nai đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Đồng thời, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, nhất là dự án hạ tầng; luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục…

Đồng Nai phấn đấu trở thành trung tâm logistics của cả nước và khu vực

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Võ Tấn Đức cho biết, nội dung Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân toàn tỉnh. Từ đây, Đồng Nai sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phấn đấu đưa địa phương trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; chủ động nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để cụ thể hóa những mục tiêu quy hoạch của tỉnh, Đồng Nai sẽ phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, lấy giá trị văn hóa là một trụ cột trong phát triển bền vững; nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng Nai cũng đang hướng tới là trung tâm logistics của cả nước và khu vực. Vì thế, nhiều công trình hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển lớn đã được đầu tư, được kết nối liên hoàn với các địa phương vùng Đông Nam Bộ…

Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 20 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility cho thấy, Việt Nam đứng thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau 3 nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan, xếp trên Philippines, Myanmar và Campuchia. Năm 2023, trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố trong tháng 4/2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 của năm 2018.

Tại Việt Nam, “Top 5” về Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) của cả nước lần lượt là: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội. Đồng Nai đứng thứ 6 cả nước và thứ 4 vùng Đông Nam bộ về Chỉ số LCI. Đông Nam bộ hiện có khoảng 14,8 nghìn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% cả nước; trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11 nghìn doanh nghiệp, Bình Dương gần 1,7 nghìn doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1,2 nghìn doanh nghiệp…

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải Đông Nam Á (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics; trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, nhân lực logistics vẫn chưa đáp ứng đủ; và dự báo tới năm 2030, ngành logistics can bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có hơn 200.000 nhân lực chất lượng cao.

Để đáp ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics, các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp logistics và các cơ sở đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị - Luật, Trường đại học Công nghệ Miền Đông, đơn vị đang đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu ngành logistics của Đồng Nai cho biết: “Nhân lực logistics không chỉ tập trung vào vận hành mà còn tham gia vào việc phát triển các chiến lược kinh doanh liên quan đến chuỗi cung ứng. Sự tham gia của nhân lực logistics vào việc phân tích thị trường, dự báo nhu cầu và xây dựng chiến lược logistics phù hợp với chiến lược tổng thể của DN là rất quan trọng. Điều này giúp DN không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại mà còn chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai”.

Để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, Sinh viên ngành Logistics Trường Đại học Công nghệ Miền Đông được thường xuyên tham gia đóng góp vào các Nghiên cứu khoa học liên quan

Trước đó, vào ngày 13/03/20, tại hội nghị “Đào tạo nguồn nhân lực vận hành cảng hàng không quốc tế Long Thành” do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã khuyến khích các trường đại học trong tỉnh liên kết với các trường đại học chuyên ngành hàng không để mở thêm các khoa, chuyên ngành đào tạo, nhằm nâng cao cả chất lượng và số lượng đào tạo.

PGS.TS. Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, chia sẻ: "Hiện nay, nhà trường không chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại mà còn xây dựng một môi trường giảng dạy thông minh, ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) vào chương trình học. Mục tiêu của chúng tôi là trang bị cho sinh viên các kỹ năng ứng dụng AI, đồng thời nâng cấp trang thiết bị trong ngành logistics, giúp sinh viên bắt kịp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, nhà trường cũng thiết lập nhiều chương trình hợp tác với doanh nghiệp để tạo cơ hội cho sinh viên và giảng viên thực hành thực tế và tiếp cận kiến thức mới nhất”.

PGS.TS Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Nghệ Miền Đông trực tiếp đứng lớp giảng dạy học phần “Trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng”.

Theo Chỉ số đánh giá hiệu quả và năng lực hoạt động logistics (LPI) 2023, số hóa chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang cho phép rút ngắn thời gian trễ cảng lên đến 70% so với các nước phát triển. Khoảng 90% số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics có quy mô nhỏ và vừa nên việc ứng dụng logistics thông minh còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, lĩnh vực logistics Việt Nam còn tồn tại những hạn chế về nhận thức, lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nguồn nhân lực; thiếu đồng bộ trong chính sách trong chuyển đổi số.

Nhưng thời gian tới, Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng như: Sân bay, đường cao tốc, bến cảng, kho bãi… Đồng Nai vì thế sẽ có cơ hội trở thành trung tâm logistics của cả nước, khi sân bay quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ; dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.

S.H