Kinh tế

Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016: Tạo hành lang pháp lý cho mua bán thuốc online

Hà Kim 22/10/20 - 16:01

Dù không nằm ngoài xu thế của thương mại điện tử nhưng việc mua bán online cần có hành lang pháp lý để tăng cường quản lý. Mục đích làm sao để thuốc lưu hành đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016 sẽ được Bộ Y tế trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 đề xuất quy định liên quan đến mua bán thuốc online.

Một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược là công tác tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc. Trong đó, một loại hình kinh doanh mới đang trở nên phổ biến hiện nay là kinh doanh chuỗi nhà thuốc.

mua-thuoc-dieu-tri-covid-tren-mang-1744.jpg
Thuốc là hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng

ThS Phan Công Chiến - Trưởng Phòng quản lý kinh doanh Dược (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, các hệ thống nhà thuốc đang từng bước trở thành một mô hình đặc thù trong chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam. Trong đó, một số chuỗi nhà thuốc được hình thành với số lượng lớn.

Thống kê cho thấy, năm 2023, cả nước có hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Trong đó, hệ thống nhà thuốc Long Châu với hơn 1/000 nhà thuốc trên 63 tỉnh, thành phố, hệ thống nhà thuốc Pharmacity với hơn 1.100 nhà thuốc trên 44 tỉnh, thành phố, hệ thống nhà thuốc An Khang với hơn 500 nhà thuốc tại 33 tỉnh, thành phố…).

Các hệ thống chuỗi nhà thuốc đang phát triển mạnh theo chiều rộng hoặc tập trung chiều sâu, chuyên môn hoá cao. Luật Dược năm 2016 đã có chính sách để phát triển hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc. Tuy nhiên, điều kiện, cũng như quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh chuỗi nhà thuốc chưa được quy định cụ thể.

Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bổ sung thuật ngữ và các nội dung có liên quan về điều kiện kinh doanh đối với loại hình hình doanh mới là chuỗi nhà thuốc.

Việc bổ sung quy định cụ thể về chuỗi nhà thuốc nhằm thống nhất cách thức quản lý; nâng cao tính chuyên môn hóa và hiện đại hóa hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc.

Việc hoạt động chuyên môn hóa, dự kiến, sẽ nâng cao chất lượng thuốc đáng kể (ví dụ như cho phép điều chuyển thuốc giữa các nhà thuốc trong chuỗi sẽ hạn chế được tình trạng thuốc chậm luân chuyển dẫn đến không đáp ứng về hạn dùng, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc). Do yêu cầu quản lý thống nhất trong toàn hệ thống của chuỗi nên các cơ sở bắt buộc phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Việc này rất có lợi cho việc truy xuất thông tin về nguồn gốc của thuốc, quản lý thông tin khách hàng giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.

"Khi các chuỗi nhà thuốc được hình thành sẽ tạo ra động lực cạnh tranh, đòi hỏi các nhà thuốc truyền thống phải cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo cung ứng, tăng khả năng tiếp cận thuốc cho người dân với giá cả hợp lý", ông Chiến cho hay.

Trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phương thức mua - bán hàng online đã trở thành xu hướng và là sự lựa chọn của nhiều người, trong đó bao gồm cả mặt hàng là thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có rất nhiều mặt trái, tiêu cực tác động trở lại đối với xã hội, trong đó có việc quảng cáo sai sự thật, bát nháo, lộn xộn về công dụng của thuốc tân dược hay gọi là thuốc tây không đúng thực tế. Điều này dẫn đến "tiền mất, tật mang" - khi việc điều trị không mang lại hiệu quả, tốn kém, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, thuốc là hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. "Dù không nằm ngoài xu thế của thương mại điện tử nhưng việc mua bán online cần có hành lang pháp lý để tăng cường quản lý. Mục đích làm sao để thuốc lưu hành đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng", ông Dũng nói.

minh-thao_d1-min-scaled.jpg
Hiện nay chưa có quy định về mua bán thuốc online

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, hiện nay chưa có quy định về mua bán thuốc online. Việc mua thuốc phải được thực hiện trực tiếp tại địa điểm đã được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh về dược.

Trong lần sửa đổi Luật Dược này, Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.

"Doanh nghiệp kinh doanh thuốc online cũng phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh về dược. Đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc. Dự thảo cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán online, mà chỉ được bán online thuốc thuộc danh mục không kê đơn", ông Dũng thông tin.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trọng - Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam nhấn mạnh, có thể triển khai việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ, vấn đề là quy trình ra sao, nhà cung cấp nào có thể được bán thuốc kê đơn trên đó.

"Thực tế hiện nay luật chưa quy định nhưng việc bán thuốc online vẫn đang diễn ra bằng các tên gọi khác nhau. Vậy chúng ta lo lắng điều gì? Vấn đề là khi đưa vào hoạt động chúng ta cần phải quản lý làm sao đơn thuốc đó hợp pháp, cơ sở bán thuốc đủ tiêu chuẩn, hợp pháp… Vì vậy, việc bán thuốc online hoàn toàn có thể xem xét để thực hiện", ông Trọng nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Trọng lưu ý thêm về vấn đề "ship" thuốc. Với những đơn thuốc đặc thù, thời gian giao hàng, cũng như việc bảo quản có thể ảnh hưởng tới chất lượng thuốc, làm sai lệch thuốc.

Vậy các sàn thương mại điện tử cũng phải chứng minh được giao dịch đó chỉ cách người bệnh trong khoảng thời gian giao hàng cho phép.

Bà Lê Thị Hà - Trưởng Phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, là đơn vị trực tiếp cấp phép cho các website, nền tảng số, có thể thấy hiện sàn thương mại điện tử rất phổ biến với người dân.

Hiện nền tảng online của cục đã phê duyệt 52.000 web thương mại điện tử bán hàng nói chung, nhưng có khoảng 900 các loại web/công ty có chữ cái bắt đầu bằng "thuốc" hoặc "pharma". Cơ quan quản lý đã yêu cầu các nền tảng này phải cung cấp đủ thông tin hàng hóa trên nhãn/bao bì sản phẩm. Những sản phẩm được bán trên sàn (trực tiếp hoặc qua trung gian), chủ sàn phải nắm được quy chế, đưa ra những quy chế để quản lý.

Theo bà Hà, Luật Dược 2016 không quy định cụ thể nào bán dược trên không gian mạng nên cơ quan chức năng vẫn áp dụng kinh doanh thương mại điện tử như với môi trường kinh doanh truyền thống.

H Kim