Bình Dương là điểm đến công nghiệp hấp dẫn bậc nhất Đông Nam Á - Bài 3: Phát triển văn hóa “hành chính phục vụ”
Bình Dương tiếp tục phát triển văn hóa “hành chính phục vụ”, để tập trung vào quy hoạch khu công nghiệp thế hệ thứ ba, gồm: Các khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, sản xuất thông minh.
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (CLC), Wu Jung Pin đánh giá: Trong những năm qua, CLC đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Dương và các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh. Các đơn vị đã có hoạt động thiết thực như tổ chức gặp gỡ, trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp. Dù vậy, các hoạt động này cũng cần thường xuyên hơn, để có thể nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, nhất là đối với thủ tục hành chính. Ngoài ra, CLC còn có một số trở ngại khác, chủ yếu là áp lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư; Đồng thời phải đảm bảo các thủ tục pháp lý trước khi thực hiện dự án, mà các thủ tục này lại liên quan đến nhiều lĩnh vực, khiến cho giấy phép bị chồng lấn nhau.
Từ những phản ánh này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển. Theo đó, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành ban hành Kế hoạch số 4895/KH-UBND, hỗ trợ doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV). Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn và mua giải pháp chuyển đổi số, hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ; Đồng thời, nhận được hỗ trợ trong việc nâng cao trình độ công nghệ, kết nối thị trường, phát triển thương hiệu và thủ tục hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Các Sở, Ban, Ngành sẽ tăng cường phổ biến thông tin về các chương trình hỗ trợ DNNVV; Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận mạng lưới tư vấn viên về các lĩnh vực nhân sự, tài chính và quản trị doanh nghiệp; Tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, cũng như đào tạo nghề cho lao động; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Ngoài ra, để giữ vững vị thế hàng đầu về công nghiệp, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI;
Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính - ngân hàng, viễn thông, kết cấu hạ tầng...
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính theo nguyên tắc thị trường; Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực;
Thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; Ưu tiên nguồn lực tài chính nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng liên kết vùng, hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo;
Đổi mới chính sách ưu đãi về thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng tới trọng tâm ưu tiên thúc đẩy phát triển hệ sinh thái và chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ hiện đại; Thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để hướng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; Thực hiện các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Hơn nữa, để thể hiện chính sách nhất quán, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Dương đã đề nghị các đơn vị cần phải rà soát cụ thể các đề xuất về chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo hướng ổn định việc làm cho người lao động, sản xuất của doanh nghiệp; Ban hành chính sách hỗ trợ và thí điểm di dời các doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc của tỉnh.
Củng cố năng lực cạnh tranh công nghiệp
Theo Ban Điều hành Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương, Đề án TPTM được khởi động từ năm 2016. Đây là nội dung cụ thể để thực hiện các chương trình phát triển đột phá của tỉnh, do Becamex IDC (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP) tập trung nguồn lực để xây dựng. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa “ba nhà” gồm: Nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp.
Từ nền tảng quan hệ quốc tế sâu rộng của Bình Dương, lãnh đạo tỉnh và Becamex IDC đã quyết định nghiên cứu, học tập các kinh nghiệm xây dựng TPTM trên thế giới. Tỉnh Bình Dương được chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng TPTM từ thành phố Eindhoven (Hà Lan).
Những năm gần đây, thuật ngữ “Thành phố Thông minh Bình Dương” trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Vùng thông minh Bình Dương được xác định ở một số địa phương phát triển mạnh và được quy hoạch bài bản như thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một và trung tâm là vùng thành phố mới Bình Dương.
Thông qua Kế hoạch tập trung tuyên truyền sâu rộng về TPTM, người dân và doanh nghiệp tại Bình Dương sẽ được đào tạo các kỹ năng cơ bản về số hóa trong nền kinh tế kỹ thuật số nói chung và trong sản xuất công nghiệp nói riêng.
Bình Dương cũng xác định bài toán cần phải giải không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn là việc phát triển bền vững, bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, đô thị hóa, hội nhập phát triển.
Việc phát triển Đề án TPTM là động lực để tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng thông minh sinh thái, xây dựng nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số... tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Trong đó có một số mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD; Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới;
Thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; Tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; Tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD; Tỉ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - % GDP;
Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; Xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế;
Làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp; Khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả; Sớm xây dựng cơ chế phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường tín chỉ carbon; Xây dựng cơ chế ưu tiên để phát triển mạnh công nghiệp tái chế và công nghiệp tái tạo; Nghiên cứu, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong một số ngành, lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, phát triển xanh.
Bình Dương chính là “thủ phủ công nghiệp” của Việt Nam nên được kỳ vọng sẽ “đi sau, về trước” trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, Bình Dương ngay từ bây giờ đã có Đề án Vùng khoa học công nghệ, Khu công nghệ thông tin tập trung với mục tiêu đóng góp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và giao cho Becamex IDC triển khai thực hiện.
Còn tiếp...