Chính trị

Luật Tư pháp người chưa thành niên: Kiến nghị giao Toà án giải quyết "ba trong một" khi xử lý chuyển hướng

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 23/10/20 - 18:22

Thảo luận về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN), đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho rằng, việc quy định Tòa án quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN, đồng thời giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản... là phù hợp, vì sẽ không làm phát sinh thêm việc khởi kiện vụ án dân sự khác.

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tư pháp NCTN.

Giải quyết triệt để vụ án

Thảo luận về thẩm quyền quyết định vấn đề bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản khi xử lý chuyển hướng..., đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, theo quy định của dự thảo Luật thì có 3 cơ quan, gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để đảm bảo việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời.

hung1.jpeg
Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

Trường hợp phát sinh tranh chấp về bồi thường thì giải quyết tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự (theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 57).

Tuy nhiên, theo đại biểu Hùng, thực tiễn khi giải quyết vụ án còn phải giải quyết cả vấn đề về thu lợi bất chính, tịch thu tài sản và đây là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp thì nội dung trên chỉ được xem xét, quyết định khi thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng không quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét giải quyết về bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản mà thẩm quyền này chỉ thuộc về Tòa án.

Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định vấn đề trên theo hướng, đối với các vụ án có tranh chấp về bồi thường thiệt hại, hoặc phải tịch thu tài sản mặc dù xét thấy NCTN thuộc trường hợp được xử lý chuyển hướng thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, mà chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét quyết định áp dụng quy định này.

toa2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Cũng theo đại biểu, việc này đảm bảo bởi các nguyên tắc sau đây:

Một là, về xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội vừa vì lợi ích tốt nhất của NCTN, vừa phải bảo vệ kịp thời quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bị hại và đảm bảo việc giải quyết triệt để vụ án.

Hai là, Tòa án quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản trong cùng một lần sẽ không làm phát sinh thêm việc khởi kiện vụ án dân sự khác.

Ba là, về quyết định giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định vấn đề bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản tương tự như thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát khi đình chỉ vụ án là chưa phù hợp, vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành, khi đình chỉ vụ án thì không quyết định các vấn đề bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản và sẽ phát sinh việc giải quyết vụ án mới.

Bốn là, quy định này không phải phát sinh việc phải sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự, đạo luật khác có liên quan và phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự.

toa1.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

"Tòa án sẽ giải quyết ba trong một"

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Phong - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy định tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự sẽ tạo thêm một vụ kiện mới và có thể dẫn đến một xung đột mới khi xử lý chuyển hướng và làm tốn kém thêm thời gian, không đảm bảo quyền lợi của người bị hại, người được bảo vệ.

phong1.jpeg
Đại biểu Lê Thanh Phong - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

Do vậy, cần phải chỉnh sửa để giải quyết trong cùng một lúc khi xem xét chuyển hướng và buộc gia đình, người giám hộ, xã hội phải có trách nhiệm cùng với NCTN xử lý vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự, xử lý tài sản trước. Cần phải giải quyết trong cùng một thời điểm để đảm bảo tính kịp thời, tránh xảy ra một xung đột khác sau khi đã đưa vào xử lý chuyển hướng. Còn vấn đề tài sản lại tiếp tục giải quyết dai dẳng theo trình tự dân sự thì không đảm bảo kịp thời,

Cũng theo ông Phong, đây là một trong những điều kiện để xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng ở hình thức nào phù hợp và thể hiện thái độ thành khẩn hay không thành khẩn.

toa3.jpeg
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí tại phiên thảo luận.

"Để giải quyết việc này một cách căn cơ thì khi có tranh chấp chuyển ngay cho Tòa án xem xét, giải quyết. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ xử lý áp dụng biện pháp chuyển hướng khi thỏa thuận được vấn đề tranh chấp. Nếu có tranh chấp thì gửi toàn bộ hồ sơ cho Tòa án và Tòa án sẽ giải quyết "ba trong một" là giải quyết bồi thường, giải quyết về tịch thu và áp dụng chuyển hướng. Nếu không đồng ý thì thực hiện quyền khiếu nại, kháng cáo theo luật định thì rất rõ", đại biểu Phong nêu quan điểm.

Khoản 9, Điều 4 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN:

"Biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 37 của Luật này và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại khoản 12 Điều 37 của Luật này".

Điều 57 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN

1. Quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải có nội dung chính sau đây:...

i) Đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can hoặc đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng, tài sản và các vấn đề khác có liên quan. Trường hợp có yêu cầu giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

Duy Tuấn - Hữu Tuấn