Chiến lược mới trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng của ông Trump?
Trong cuộc đua bầu cử Tổng thống “sít sao”, ông Trump đang chuyển trọng tâm vào vấn đề phá thai. Việc hạn chế phá thai từ lâu đã là nền tảng của Đảng Cộng hòa, nhưng hai tiết lộ vào đầu tháng 10 đã báo hiệu sự thay đổi lớn trong lập trường của đảng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thay đổi quan điểm?
Vào ngày 1/10, lần đầu tiên, ông Trump cam kết phủ quyết lệnh cấm phá thai của liên bang, nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Hai ngày sau, vợ ông là Melania Trump cũng tuyên bố ủng hộ quyền phá thai.
Đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc của ông Trump, người mà chỉ 1 năm trước đó còn nói với những người ủng hộ rằng ông "tự hào là Tổng thống ủng hộ quyền được sống nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Nhưng các chuyên gia cho rằng, những thông điệp trái chiều của ông Trump là một phần trong chiến lược vận động tranh cử rộng lớn hơn, nhằm thu hút cả hai phía của vấn đề gây chia rẽ này.
Ông Trump đang phải đối mặt với một cuộc đua gay cấn vào tháng 11, và các cuộc khảo sát cho thấy ông đang phải “vật lộn” để tập hợp các cử tri nữ. Một cuộc thăm dò vào tháng 9 của hãng tin ABC News và công ty nghiên cứu Ipsos cho thấy, ứng cử viên Cộng hòa đã tụt lại phía sau đối thủ Dân chủ của mình, bà Kamala Harris, gần 13 điểm trong nhóm cử tri nữ.
Cuộc thăm dò tương tự cho thấy, nhiều cử tri tin tưởng bà Harris sẽ giải quyết vấn đề phá thai hơn ông Trump.
Với quyền quyết định sinh sản của phụ nữ được coi là điểm yếu của ông Trump và đảng Cộng hòa nói chung, các nhà phân tích cho rằng, lập trường thay đổi liên tục của ông Trump về vấn đề phá thai có thể là một “nỗ lực làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn”, nhằm giành lại sự ủng hộ của một số cử tri trong quá trình này.
Tuy nhiên, nó cũng có thể phản tác dụng, gây mất lòng một số cử tri trung thành của đảng Cộng hòa. "Đó là một hành động mạo hiểm và có thể ông ấy sẽ không thu hút được sự ủng hộ của ai cả", Mary Ziegler, Giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học California Davis, cho biết.
Tuy nhiên, sự thay đổi về mặt chiến lược của ông Trump không phải là hiện tượng mới. Cựu tổng thống từ lâu đã là một “tắc kè hoa” trong vấn đề quyền sinh sản và trong chính trị nói chung.
Chẳng hạn, ông Trump đã từng công khai xác định mình thuộc đảng Dân chủ. Vào khoảng thời gian đó, năm 1999, ông đã nói với chương trình truyền hình Meet the Press: "Tôi rất ủng hộ quyền lựa chọn". Nhưng vào thời điểm lần đầu tiên ra tranh cử Tổng thống thành công vào năm 2016, ông Trump đã trở thành đảng viên Cộng hòa và kiên quyết phản đối quyền phá thai.
“Tôi ủng hộ quyền được sống và tôi sẽ bổ nhiệm những Thẩm phán ủng hộ quyền được sống”, ông Trump đã phát biểu trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng năm 2016. Cuối cùng, ông đã thực hiện lời hứa đó, bổ nhiệm ba Thẩm phán vào Tòa án Tối cao trong nhiệm kỳ của mình. Sau đó, Tòa án đã lật ngược phán quyến của vụ án Roe v Wade, vụ án trước đây đã duy trì quyền tiếp cận phá thai theo Hiến pháp.
Khi tìm cách tái đắc cử vào năm 20, ông Trump đã nhiều lần coi việc lật ngược phán quyết Roe v Wade là một thành tựu mà không một đảng viên Cộng hòa nào khác có thể đạt được. “Trong 54 năm, họ đã cố gắng lật ngược phán quyết Roe v Wade. Và tôi đã làm được điều đó”, ông nói với Fox News vào tháng 1. “Và tôi tự hào vì đã làm được điều đó”.
Cử tri sẽ phản ứng thế nào?
Bà Ziegler cho rằng, ông cần phải “tiếp thêm năng lượng” cho những cử tri phản đối quyền phá thai - chủ yếu là những người theo đạo Thiên chúa, mà không làm mất lòng những cử tri ủng hộ quyền phá thai.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa phải thích nghi với sự thay đổi giữa cuộc bầu cử để có thể làm nổi bật lập trường của ông về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. Trong phần lớn chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã dự đoán sẽ đối mặt với Tổng thống Joe Biden. Nhưng vào tháng 7, những lo ngại về tuổi tác của Tổng thống Biden đã buộc ông rút lui khỏi cuộc đua.
Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống, đã thay thế ông với tư cách là ứng cử viên của đảng Dân chủ. Nếu được bầu vào tháng 11, bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Bà Harris cũng đưa quyền phá thai trở thành một yếu tố then chốt trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Một trong những quảng cáo vận động tranh cử của bà là câu chuyện về Amber Nicole Thurman, một người phụ nữ đã chết sau khi bị từ chối dịch vụ phá thai tại tiểu bang Georgia quê nhà.
Bà Ziegler lập luận rằng, khả năng bảo vệ quyền phá thai của bà Harris đã khiến ông Trump rơi vào tình thế khó xử. “Ông ấy vốn đã nghĩ rằng sẽ chạy đua với ông Biden, và không cần phải lo lắng về vấn đề này. Và hóa ra không phải vậy”, bà Ziegler nói. “Bà Harris có thể đã gây nhiều sức ép và biến vấn đề phá thai thành một gánh nặng hơn đối với ông Trump, đó là một trong nhiều lý do khiến cuộc đua trở nên sít sao như hiện tại”.
Bà Wendy Hansen, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Mexico cho biết, việc bà Harris tham gia cuộc đua là "lý do lớn" khiến ông Trump phải thay đổi chiến lược. “Ông Biden không thoải mái khi nói về vấn đề này”, bà Hansen nói. “Ông ấy không nhắc đến vấn đề này nhiều như bà Harris. Vì vậy, điều đó có thể đã ảnh hưởng đến việc ông Trump lùi bước, bởi vì ông ấy đang đứng trước một người phụ nữ đang lên tiếng rất nhiều về việc phụ nữ có quyền lựa chọn”.
Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi lập trường của ông Trump khó có thể khiến những người phản đối phá thai chuyển sang phe của bà Harris. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, có nguy cơ là một số người sẽ ở nhà vào ngày bầu cử, thay vì ủng hộ ông Trump.
Bà Ziegler cho biết: “Đây sẽ là một cuộc bầu cử rất sít sao, vì vậy chỉ một tỷ lệ nhỏ cử tri ở nhà cũng có thể là một vấn đề lớn”.