Xét xử vụ hỏa hoạn tại karaoke An Phú: Công tác an ninh được thắt chặt
Ngày /10, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 6 bị cáo liên quan đến vụ cháy quán karaoke An Phú khiến 32 người tử vong xảy ra hơn hai năm trước. Đây là vụ án được dư luận quan tâm, TAND tỉnh Bình Dương đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phiên tòa, an ninh được thắt chặt ngay từ đầu.
HĐXX gồm Thẩm phán chủ tọa Nguyễn Thị Sang, Thẩm phán Lê Sỹ Trứ cùng 3 Hội thẩm nhân dân. Đây là vụ án phức tạp, để làm rõ sự thật khách quan, HĐXX tiến hành triệu tập 22 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 34 người làm chứng, đại diện hợp pháp của 32 bị hại. Phiên tòa có 11 luật sư tham gia bào chữa.
Các lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp được tăng cường, việc kiểm tra những người đến tham dự diễn ra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tốt nhất an ninh phiên tòa. Các phóng viên báo chí được tác nghiệp tại phần khai mạc phiên tòa, sau đó theo dõi phiên tòa tại phòng riêng được kết nối trực tuyến với hội trường xử án.
Theo cáo trạng, ngày 06/9/2023, cơ sở kinh doanh karaoke An Phú tại số 166C, khu phố 1A, phường An Phú xảy ra sự cố chập điện tại đường dây dẫn điện lắp đặt trên trần la phông qua khu vực trước phòng 204, phòng 206.
Sự cố chập điện phát sinh hồ quang điện, đốt cháy vỏ cách điện, làm nóng chảy lõi dây dẫn rơi xuống gây cháy các vật liệu dễ cháy ở xung quanh. Từ đó, đám cháy phát triển ra các hướng gây cháy lớn ở các phòng karaoke khu vực tầng 2 và phát triển lên tầng 3.
Quá trình xây dựng và hoạt động, Lê Anh Xuân là chủ cơ sở karaoke không thực hiện đúng quy định về trách nhiệm PCCC; không có lực lượng PCCC cơ sở để chữa cháy ngay từ đầu nhằm hạn chế thấp nhất việc cháy lan.
Xuân không tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho nhân viên của cơ sở để hướng dẫn các nạn nhân thoát nạn đúng cách.
Do hệ thống báo cháy và vòi phun chữa cháy tự động không được kiểm tra, duy tu định kỳ theo quỵ định nên khi cháy không hoạt động, các nạn nhân không thể phát hiện cháy sớm để thoát ra bên ngoài tòa nhà.
Đồng thời, việc bị cáo Xuân xây dựng tòa nhà sai thiết kế, xây kín một số cửa sổ của các phòng gây tụ khói bên trong tòa nhà; tòa nhà không có lối thoát hiểm ngoài hệ thống cầu thang bộ gây cản trở đến quá trình thoát nạn của nạn nhân dẫn đến tình trạng cháy lan nhanh, nạn nhân không chạy thoát được dẫn đến tử vong.
Bị cáo Vũ Trường Sơn bị cáo buộc là cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra Bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật, Bản vẽ thiết kế về PCCC của cơ sở karaoke An Phú và lập bảng đối chiếu theo quy chuẩn. Sau khi kiểm tra và đối chiếu các quy định, quy chuẩn về PCCC, dù phát hiện hồ sơ thiết kế về PCCC của cơ sở karaoke An Phú có một số nội dung chưa đảm bảo nhưng Sơn nghĩ đó là lỗi nhỏ, không ảnh hưởng đến công tác PCCC. Từ đó Sơn vẫn báo cáo lãnh đạo là cơ sở karaoke An Phú đủ điều kiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động.
Bị cáo Phạm Thị Hồng bị quy kết về hành vi nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC đối với cơ sở An Phú. Sau khi bà Hồng cung cấp vật tư và thuê anh Nguyễn Nhất Linh lắp đặt thiết bị PCCC đối với cơ sở này. Bà Hồng nhờ Nguyễn Hồng Luân ký hợp thức hóa vào Biên bản kiểm tra nghiệm thu để đảm bảo thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động. Trong quá trình điều tra, bà Hồng liên tục có đơn kêu oan.
Bị cáo Nguyễn Thành Luân nguyên là Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh, là đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy. Mặc dù Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh không phải là đơn vị thi công hệ thống PCCC của cơ sở An Phú, ông Luân cũng không đến cơ sở này để tham gia nghiệm thu nhưng bị cáo đã đồng ý giúp bà Phạm Thị Hồng ký xác nhận dưới mục đơn vị thi công trong hồ sơ nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ sở An Phú, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động.
Bị cáo Phạm Quốc Hùng là cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ sở karaoke An Phú. Tuy nhiên, ông Hùng không thực hiện việc kiểm tra, nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy của cơ sở này theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy mà lập khống biên bản nghiệm thu vào ngày 13/7/2017, tạo điêu kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động.
Từ năm 2020 đến ngàỵ 06/9/2022, bị cáo Nguyễn Văn Võ là cán bộ được phân công nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra công tác PCCC&CNCH đối với cơ sở karaoke An Phú nhưng ông Võ đã thiếu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, không thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra đối với cơ sở nên không phát hiện các vi phạm của Lê Anh Xuân trong công tác PCCC để yêu cầu Xuân khắc phục, dẫn đến cơ sở karaoke cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi cháy, ông Võ còn lập không biên bản kiểm tra công tác PCCC để trốn tránh trách nhiệm.
Theo cáo trạng, hành vi vi phạm quy định về PCCC của các bị cáo Lê Anh Xuân, Vũ Trường Sơn, Phạm Thị Hồng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Quốc Hùng và hành vi thiếu trách nhiệm kiểm tra của ông Nguyễn Văn Võ đã dẫn đến việc cơ sở karaoke An Phú cháy, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày đến 25/10.