Bình Dương là điểm đến công nghiệp hấp dẫn bậc nhất Đông Nam Á - Bài 5: Hành trình vươn tới thịnh vượng
Trên hành trình vươn tới thịnh vượng, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030; Đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, phát triển toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu dẫn đầu về khoa học công nghệ
Trong Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và sức hấp dẫn của Bình Dương. Đó là người dân tỉnh Bình Dương có truyền thống anh hùng cách mạng; Luôn khát vọng vươn lên, không hài lòng với những gì đang có và luôn muốn vượt qua chính mình, đây là di sản quý báu được hun đúc qua các thời kỳ.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước; Đồng thời, đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Dương cần tiếp tục giữ gìn, kế thừa và phát huy hơn nữa các thành quả các thế hệ đi trước để lại.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, của các Bộ, ban ngành Trung ương, của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và đối tác quốc tế. Quy hoạch hội tụ giá trị, truyền thống văn hóa - lịch sử, của quá khứ, hiện tại và tương lai, của kế thừa, đổi mới và phát triển, thể hiện tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược dài hạn của tỉnh.
Thủ tướng hoan nghênh “3 xây dựng” của tỉnh Bình Dương gồm: Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; Xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; Xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị Bình Dương thực hiện “3 tiên phong”: Kết nối nền kinh tế với vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh hóa, số hóa;
Chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế “ban đêm”, số hóa, xanh hóa kinh tế để phát triển nhanh, bền vững; Chủ động, tích cực xây dựng các KCN thế hệ mới, công nghệ cao, thông minh, chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Cùng với sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh, Bình Dương đã giới thiệu cơ hội đầu tư vào 3 trụ cột: Công nghiệp, xây dựng và thương mại; Trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư; Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Becamex IDC với các đơn vị; Khởi công động thổ, khánh thành các công trình trọng điểm.
Trong đó, Bình Dương khởi động dự án trọng điểm khu công nghiệp Cây Trường (huyện Bàu Bàng) do Becamex IDC (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP) làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này có diện tích quy hoạch là 700 ha, quy mô lao động khoảng 35.000 người, là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, với các loại hình công nghiệp thu hút những dự án đầu tư có ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Như vậy, trên hành trình vươn tới thịnh vượng, sau gần 30 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã từ một địa phương thuần nông, trở thành một “điển hình” về công nghiệp, giúp quy mô GRDP tăng từ 3,9 nghìn tỷ đồng lên hơn 487.000 tỷ đồng năm 2023 (gấp gần 125 lần).
Và để bước vào giai đoạn thịnh vượng tiếp theo, Bình Dương sẽ phải “vượt qua chính mình”, để đổi mới tư duy hơn nữa, sáng tạo và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế;
Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước; Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp;
Ngoài ra, Bình Dương cũng ưu tiên phát triển đô thị công nghiệp và công nghệ; Phối hợp xây dựng, hoàn thiện các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, xây dựng, phát triển các trung tâm phức hợp về đô thị - công nghiệp - dịch vụ cấp vùng, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung cấp tỉnh, tái phát triển các khu vực đô thị phía Nam.
Đổi mới sáng tạo là kim chỉ nam
Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn của mô hình phát triển giai đoạn trước. Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và sẽ là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Muốn như vậy, Bình Dương cần tự lực xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, thông qua việc cơ cấu lại ngành công nghiệp; Thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng;
Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: Luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh); Cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế); Hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón); Công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới); Vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới); công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn)…
Trong 9 tháng năm 20, Bình Dương thu hút được 58.988 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (đạt 85,7% cùng kỳ) và 1,56 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (đạt 86,86% kế hoạch, bằng 94,1% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 71.776 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 786.000 tỷ đồng và 4.347 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42 tỷ đô la Mỹ; Trong đó, tổng vốn đầu tư xây dựng của các DN trong KCN đạt 4.278 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2023. Các KCN đã cho thuê 53,88 ha đất, thu hút 1 tỷ 045 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 87% vốn đầu tư nước ngoài của cả tỉnh trong 9 tháng). Doanh thu các DN trong KCN đạt 27 tỷ đô la Mỹ, xuất khẩu đạt 18,2 tỷ đô la Mỹ (chiếm 71,1% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh trong 9 tháng).
Không tự mãn với thành công có được, tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Sẽ ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù; Tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh; Đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế…
Tỉnh Bình Dương vì thế đã khẳng định được vị thế dẫn đầu trong cả nước; Đồng thời trở thành “điểm đến công nghiệp” hấp dẫn bậc nhất khu vực Đông Nam Á, luôn xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm và doanh nghiệp là chủ thể.
Tiếp theo và hết.