Chính trị

Đề nghị Văn phòng công chứng hoạt động như doanh nghiệp tư nhân

Duy Tuấn 25/10/20 - 19:44

Đa số ĐBQH tán thành với Phương án 1, bên cạnh các Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

2 phương án về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (Điều 20), một số ý kiến đề nghị quy định Văn phòng công chứng tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân trên phạm vi cả nước hoặc được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

cc1.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Văn phòng công chứng tổ chức theo loại hình công ty TNHH.

Qua thảo luận, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án.

Phương án 1: Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh các Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, Văn phòng công chứng còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Phương án 2: Một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành do có ưu điểm là bảo đảm tính ổn định trong tổ chức và hoạt động của các Văn phòng công chứng, phù hợp với tính chất dịch vụ công chứng là dịch vụ công cơ bản nên cần bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ. Hạn chế của phương án này là Văn phòng công chứng đòi hỏi phải có tối thiểu 2 công chứng viên hợp danh, dẫn đến khó khăn do nguồn bổ sung còn hạn chế…

Lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương

Cho ý kiến, đa số ĐBQH tán thành với Phương án 1. Theo đó, bên cạnh các Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

cc2.jpeg
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phương án này mang tính linh hoạt hơn, cho phép lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Đặc biệt, đối với các khu vực có cơ sở hạ tầng chưa phát triển, mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thành lập và hoạt động của các Văn phòng công chứng. "Điều này giúp bảo đảm sự phục vụ công chứng trên diện rộng và có thể điều chỉnh theo nhu cầu của từng khu vực".

cc3.jpeg
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị, có đánh giá tác động về những khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này để tránh trường hợp các văn phòng công chứng hiện nay đang hoạt động theo loại mô hình hợp danh xin chuyển đổi sang loại mô hình doanh nghiệp tư nhân sau khi luật có hiệu lực thi hành, gây khó khăn cho quản lý nhà nước.

Duy Tuấn