Văn hóa - Du lịch

Bí ẩn núi Ấn Sơn - nơi trời ban ‘Thiên mệnh’

Đức Hồ 25/10/20 - 22:02

Được nghe kể nhiều về vùng đất Tây Sơn anh hùng, có Đàn tế trời nên tôi quyết chí tìm hiểu về vùng đất linh thiêng nơi “Ấn khí anh linh hội tụ…”

Khung cảnh âm vang của lịch sử

Ngồi trên con xe máy, vừa chạy vừa nghĩ bâng quơ diễn tả khung cảnh của Đài Kính Thiên chắc cũng giống như trên phim ảnh, nhưng khi đến nơi thì mới bất ngờ vì khung cảnh núi rừng bạt ngàn, dưới chân núi là dòng sông Kôn hiền hòa êm ả, không gian trong lành, không có một chút khói bụi của thành thị, cảm giác dễ chịu đến lạ thường.

d6404d52-0c66-45-a5f3-e92b80a0ad02.jpeg
Đài Kính Thiên thuộc huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định.

Đài Kính Thiên (Đàn tế Trời Đất) hay còn được gọi là Bảo Sơn Thiên Ấn được xây dựng vào năm 2011 tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, Tây Sơn, Bình Định trên khu đất rộng 46 ha.

Theo thông tin bia đá Đàn tế Trời Đất Ấn Sơn, toàn bộ khu di tích tâm linh này nằm trên dãy núi Hoành Sơn vì nơi đây trước tiên là khung cảnh hùng vĩ không khí dễ chịu thoáng mát quanh năm, sau là trên núi có ấn khí anh linh hội tụ, trời ban thiên mệnh.

Nơi đây là nơi mà 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã dựng ngọn cờ đào, tập hợp muôn dân, anh hùng hào kiệt ở khắp nơi, thề trên dưới một lòng, không tiếc tính mạng, tài sản để dựng lên đại nghiệp lẫy lừng, lưu danh sử sách.

Đường lên cổng trời

Bước vào khoảnh sân rộng rãi, đập vào mắt tôi là hồ bán nguyệt với những cánh hoa sen thuần khiết, thanh thuần như tiên cảnh.

Khung cảnh hoàng tráng mọi thứ đều được trang trí khắc họa trang nghiêm đến cả cây cầu bắt qua một con kênh đào hướng về đỉnh Ấn Sơn cũng được chú trọng trong việc điêu khắc, toàn bộ phần lan can của cây cầu nhỏ cũng đều được làm bằng đá.

3a6077-4d-47c4-a386-300052729c.jpeg
Đường lên cổng trời.

Bắt đầu di chuyển về đỉnh Đàn Tế, từng bước đi lên trên đường Thần Đạo trang nghiêm vươn thẳng. Ngước nhìn về hướng Đàn tế hình ảnh cổng trời như đang mở rộng trước mắt, cảm giác đang sắp bước vào thế giới huyền ảo.

9d1a0ab8-cc32-4d64-a950-7187ef91d01d.jpeg
Khu Đền Ấn.

Bên trái của con đường Thần Đạo là khu Đền Ấn, trước khu đền là các tượng voi, ngựa, quan văn, quan võ được làm bằng đá xếp đứng 2 bên song song. Đây được xem là biểu tượng và là lực lượng tiêu biểu đã cống hiến cho cuộc khởi nghĩa thành công của nhà Tây Sơn. Bên trong các khu đền có đặt mô hình Thiên Ấn “Sơn Hà Xã Tắc” và những án thờ, thờ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, tướng lĩnh, nghĩa sĩ Tây Sơn.

20cd5d2b-b22d-4586-910c-2ed4dc5ac6f6.jpeg
Tháp Thông Thiên.

Với khu Bên phải là ngọn tháp Báo Thiên với 7 tầng (Tháp Thông Thiên) vương cao giữa sườn núi như một một vị thần gác cổng nơi linh thiêng. Nằm bên trên tháp Báo Thiên là miếu thờ Thổ Công (Sơn Thần).

Khám phá 2 nơi Đền Ấn Sơn, Tháp Báo Thiên tả hữu uy nghiêm, như mô phỏng lại toàn bộ sắc thái của chốn cung đình xưa giữa không gian núi đồi trầm tĩnh. Tôi lại vội vã đi thật nhanh, hướng về cổng chính (Nghi môn) nơi cổng trời rộng mở. Trên cổng có bức hoành, ghi 4 chữ “Bảo Sơn Thiên Ấn” (Nơi này là ngọn núi quý có ấn của trời), 2 bên trụ cổng gắn 2 câu đối: “Trăm họ lầm than, nổi trống Tây Sơn trừ bạo chúa/ Bốn phương loạn lạc, giương cờ Bình Định cứu lương dân”.

Bảo Sơn Thiên Ấn

Đàn tế Trời Đất có 4 cổng, theo 4 hướng, hướng Nam là hướng của cổng chính và 3 cổng phụ (hướng Bắc, Đông, Tây) được bài trí theo kiểu 4 phương trời.

8c7a2116-8ec9-4596-8f1d-1c76ba7afa.jpeg
Bảo Sơn Thiên Ấn.

Cổng chính được thiết kế có phần trang trọng với 1 cửa chính và 2 cửa phụ, các cửa được làm bằng gỗ, trên lầu cổng chính còn có một gác chuông lớn. Mỗi lẫn vào mùa lễ hội tiếng chuông này mới có dịp vang lên giữa khung cảnh núi rừng kỳ vĩ âm thanh vang vọng khắp vùng dãy Hoành Sơn – vùng đất được xem là có phong thủy đẹp nhất Bình Định.

Đứng trên gác chuông, hướng mắt ra ngắm nhìn toàn cảnh Đài Kính Thiên giữa bao la núi rừng, vẻ đẹp thơ mộng làm tôi chìm đắm trong không gian yên bình mà không muốn rời đi.

Ở cổng phụ hướng Bắc có tên là Bình Định Môn trên trụ cổng có khắc 2 câu đối: “Núi Ấn mở cơ đồ rực sáng sơn hà xã tắc/ Non gươm trao bảo kiếm bừng soi nhật nguyệt tinh quang”.

Tương tự, Cổng phụ ở hướng Đông có tên là Khải Đức Môn và 2 câu đối: “Vì nước, vì dân mãi mãi non sông ghi sự nghiệp/ Nên đài, nên miếu đời đời khói vọng công huân”. Và Cổng phụ ở hướng Tây có tên là Thiên Ứng Môn và 2 câu đối: “Núi Ấn – Hòa Sơn, chính khí ngàn năm không tắt/ Sông Kôn – Bình Định, anh hùng vạn lý còn ghi”.

Các câu đối trên các cổng cũng đã thể hiện tất cả những điểm đặc sắc của không gian lịch sử lẫn lòng biết ơn đến với các bậc tiền nhân anh hùng, có công với đất nước.

Đi qua cổng chính không gian rộng mở trước mặt như bước qua một thế giới khác giữa cái nắng nhẹ và cái gió mát lồng lộng của đất trời đúng là nơi Long mạch trời ban.

63b2a21c-5887-40ac-8980-570000718a.jpeg
Một bức bình phong điêu khắc tinh tế.

Trước khu vực Đàn tế là một bức bình phong điêu khắc tinh tế làm hoàn toàn bằng đá, đường đi lên là hình ảnh 4 con rồng cũng được điêu khắc bằng đá, đặt ở lan can đường đi lên khu Đàn tế.

Khu vực này được chia ra làm 3 cấp nền, tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân. Cấp nền dưới cùng, được thiết kế hình vuông tượng trưng cho Nhân, cấp nền giữa cũng có thiết kế hình vuông tượng trưng cho Địa, cấp nền trên hình tròn tượng trưng cho Thiên.

332be81b-1783-4254-8016-16ac141dd38d.jpeg
12 trụ đá đỏ tượng trưng cho 12 múi giờ.

Ở phần cấp nền trên có đặt 12 trụ đá đỏ tượng trưng cho 12 múi giờ, trên mỗi trụ này đều có khắc hình một linh vật Kỳ Lân. Đi vào chính giữa là án thờ Trời, Đất được làm bằng đá điêu khắc rất tỉ mỉ thể hiện sự kính trọng trang nghiêm của con dân.

Đài Kính Thiên là công trình mang đậm nét văn hóa vùng miền thể hiện lòng thành kính, biết ơn của hậu thế đối với tiền nhân, lưu truyền ngàn đời, gìn giữ một phần của dấu tích lịch sử nơi “Bảo Sơn Thiên Ấn”. Và cũng qua đó giáo dục cho các thế hệ sau này truyền thống tự hào dân tộc, oai hùng.

Công trình được khánh hạ vào ngày 14/9/2012 đúng vào dịp kỷ niệm 220 ngày mất của Hoàng Đế Quang Trung và chính thức được hoạt động, thu hút nhân dân và khách thập phương đến chiêm bái đông đảo.

Đức Hồ