Đảo Lý Sơn thu hoạch sớm 30ha hành, dự trữ gạo ứng phó bão số 6
Là một trong những địa phương được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão số 6, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tổ chức thu hoạch sớm 30 ha hành nhằm hạn chế thiệt hại, chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để ứng phó trong trường hợp bị cô lập nhiều ngày với đất liền.
Theo báo cáo mới nhất vào tối 26/10 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, Tính đến ngày 26/10, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 235 tàu của ngư dân với 3.306 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.
Cụ thể, vùng biển khu vực Vịnh Bắc Bộ có 48 tàu/338 lao động; vùng biển giữa biển Đông, Tường Sa, ĐKI có 135 tàu/2.617 lao động; vùng biển Nam biển Đông 51 tàu/344 lao động và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 1 tàu/7 lao động.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, tất cả các tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của cơn bão Trà Mi (cơn bão số 6). Hiện nay, không có tàu, thuyền nào của tỉnh ở trong vùng nguy hiểm của bão.
Có 4.6 tàu/33.564 lao động của ngư dân Quảng Ngãi đang neo đậu tại các bến (trong đó số tàu thuyền neo tại tỉnh là 1.263 tàu), gồm: Cảng Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi); Cảng Mỹ Á, Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ); Cảng Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn). Có 100% số lồng bè nuôi trông thủy sản của ngư dân huyện Lý Sơn đã được đưa vào cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn.
Là một trong những địa phương được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão số 6, huyện Lý Sơn đã tổ chức thu hoạch sớm 30ha hành để hạn chế thiệt hại; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, riêng tại thôn Bắc An Bình (đảo Bé) đã chuẩn bị 2 tấn gạo dự trữ trong trường hợp bị cô lập nhiều ngày với đất liền.
Chính quyền huyện Lý Sơn cũng đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 134 hộ/412 khẩu nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn, nhà của không kiên cố, không đảm bảo an toàn khi bão vào đến những nơi an toàn, kiên cố hơn.
Cùng với đó, để phòng chống bão số 6, trong các ngày vừa qua, huyện Lý Sơn đã tổ chức lực lượng triển khai phương án, tiến hành chằng chống, gia cố nhà ở, trụ sở cơ quan làm việc; bố trí phan công cán bộ trực liên tục / để ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Trong khi đó, đối với 2 địa phương ven biển là huyện Bình Sơn và TP. Quảng Ngãi đã tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ và thông báo, vận động cho người dân sẵn sàng sơ tán khi bắt đầu có gió mạnh theo kịch bản đã xây dựng; tổ chức khơi thông cống, rãnh và sẵn sàng lực lượng để đảm bảo tiêu, thoát nước khu nội thành TP. Quảng Ngãi.
Cũng trong chiều 26/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 6 tại cảng Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi). Tại đây, Phó Chủ tịch UBND yêu cầu, các ngành, đơn vị chức năng và địa phương ven biển tích cực động viên, hướng dẫn người dân rời khỏi tàu thuyền, lồng bè để đảm bảo an toàn khi bão số 6 áp sát bờ.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin diễn biến của bão và hình thế gây mưa để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng ứng trực, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Dự kiến, trong ngày hôm nay (27/10), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân sẽ cùng đoàn kiểm tra đi thực tế công tác ứng phó bão số 6 và mưa, lũ ở một số địa phương của tỉnh.