Kinh tế

Đề nghị áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón để xử lý bất cập

Duy Tuấn 29/10/20 - 14:30

Theo Đại biểu Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, việc áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón chính là việc cùng lúc thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất; đồng thời, phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Cơ hội giảm giá khi bán cho nông dân?

Tán thành với dự thảo luật quy định áp thuế 5% đối với phân bón, theo Đại biểu Trịnh Xuân An- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, việc áp dụng thuế này sẽ có lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân, "bởi doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ không bị ảnh hưởng và sẽ góp phần giảm được giá bán của phân bón".

phan1.jpeg
Đại biểu Trịnh Xuân An- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Đại biểu nhấn mạnh, khi Quốc hội và Chính phủ bàn những lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp thì không thể ban hành một chính sách nào để gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, bởi trên hết sẽ hướng tới chính sách tốt nhất cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, doanh nghiệp trong nước được khấu trừ đầu vào 5% bảo đảm tối ưu chi phí, cơ hội giảm giá khi bán cho nông dân, nông nghiệp, tạo sự bình đẳng trong sản xuất kinh doanh với hàng hóa nhập khẩu hiện nay.

Quy định như vậy sẽ hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo cơ hội đầu tư phát triển, nâng cao công nghệ, tạo công ăn việc làm, tự chủ về phân bón, góp phần bảo đảm an ninh, lương thực.

phan2.jpeg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Theo Đại biểu Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, việc áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón chính là việc cùng lúc thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất; đồng thời, phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước.

Về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.

Giữ quy định áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về thuế VAT đối với phân bón được sửa đổi tại Luật Thuế Giá trị gia tăng số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.

phan3.jpeg
Đại biểu Cầm Thị Mẫn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí. Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 20 đến trước thời điểm dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất.

Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế VAT đầu vào. Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, đã có nhiều kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5% và được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

phan4.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Cũng có ý kiến lo ngại, khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế VAT phải nộp. Tuy nhiên, hiện nay tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế VAT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.

Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách mới ban hành, có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.

phan5.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.

Duy Tuấn