Phóng sự - Ghi chép

Thầm lặng gieo mầm cho sự sống hồi sinh - Bài cuối: Những người dành cả đời gắn bó với bệnh nhân phong

Gia Ân-Thanh Thủy 01/11/20 08:44

Nói đến bệnh phong, hầu hết mọi người đều sợ và xa lánh, thực tế nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Khoa điều trị phong, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập cũng bị chính gia đình của mình “bỏ rơi”. Dẫu vậy, nhiều y, bác sĩ vẫn đã dành trọn cả đời mình để gắn bó với bệnh nhân phong, thầm lặng hi sinh mà không cần đến sự tôn vinh của xã hội.

bai-3.jpg

Nói đến bệnh phong, hầu hết mọi người đều sợ và xa lánh, thực tế nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Khoa điều trị phong, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập cũng bị chính gia đình của mình “bỏ rơi”. Dẫu vậy, nhiều y, bác sĩ vẫn đã dành trọn đời mình để gắn bó với bệnh nhân phong, thầm lặng hi sinh mà không cần đến sự tôn vinh của xã hội.

tile-1bai-3.jpg

Tròn 39 năm gắn bó với Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, bác sĩ Lê Công Danh là người có “thâm niên” cao nhất ở bệnh viện này. Ông đã xem bệnh viện là nhà, người bệnh như người thân của mình, trở thành điểm tựa tinh thần cho những bệnh nhân đặc biệt. Cả cuộc đời hành nghề y của của ông đã gắn bó với những giai đoạn khắc nghiệt, khốn khổ nhất của bệnh nhân phong.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_116jpg.jpg
Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng bác sĩ Lê Công Danh vẫn dành hầu hết thời gian của mình cho Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quỳnh Lập.

Năm 1985, sau 6 năm miệt mài học tập tại trường Đại học Y khoa Hà Nội, bác sĩ trẻ Lê Công Danh - người con của làng biển Quỳnh Lập được phân công về công tác tại Khu điều trị Phong Quỳnh Lập.

Ngày đó, với tấm bằng bác sĩ thì cơ hội để làm việc tại các bệnh viện lớn là điều không quá khó, nên khi nhận quyết định về công tác tại Khu điều trị phong, ban đầu tâm lý của bác sĩ trẻ có phần hơi hụt hẫng, không tránh khỏi cảm giác thiệt thòi.

Điều khiến ông lo lắng nhất chính là điều kiện làm việc ở đây rất thiếu thốn, trình độ chuyên môn có thể sẽ bị mai một bởi vì chỉ chữa bệnh cho mỗi bệnh nhân phong. Hơn nữa, cơ hội học tập và phát triển sẽ thua bạn bè. Thu nhập cũng không có gì ngoài đồng lương ít ỏi…

Suốt 10 năm đầu, ông giấu nhẹm với bạn bè việc mình công tác ở đâu, chỉ thông báo ngắn gọn là làm việc tại Nghệ An. Vượt qua những trăn trở ban đầu, ngày ngày, ông lại oằn mình trên chiếc xe đạp cũ kỹ, vượt qua con dốc cao, đi trên con đường mòn độc đạo từ nhà đến trại phong.

Hễ nghĩ đến những bệnh nhân quằn quại đau đớn, sốt và gây nhiều di chứng ngũ quan tứ chi, ông lại nung nấu quyết tâm phải làm thế nào để giúp họ vượt qua bệnh tật.

Ông tâm niệm, dù trong điều kiện nào cũng không ngừng tiếp cận các tiến bộ mới của y học để biết được nơi nào có thể chữa được bệnh này, phương pháp nào điều trị tốt nhất, tư vấn cho người bệnh... Ông đã cùng ăn, cùng ở, gần gũi với bệnh nhân phong, giúp họ xóa dần mặc cảm, mở lòng đón nhận sự quan tâm của những thầy thuốc nơi đây.

Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với bác sĩ Lê Công Danh đó chính là quyết định đúng đắn, kịp thời của ông đã cứu sống một mạng người.

Vào năm 1996, tại khu nhà tạm điều trị cho những bệnh nhân nặng bị tàn phế, ông nhận được tin bệnh nhân Doãn Thị Nhớn - khoảng 66 tuổi, đã mất. Trại phong cũng đã đưa vào nhà xác, chuẩn bị các thủ tục để khâm liệm bệnh nhân và báo tin cho người nhà.

Nhưng khi kiểm tra mạch cho bà Nhớn, ông nhận thấy mạch vẫn còn đập nhẹ. Lúc ấy, thuốc men của bệnh viện cũng chưa được cấp đầy đủ, nhất là các loại thuốc đắt đỏ.

Ông vội vã nhờ một kĩ thuật viên chạy xe lên trung tâm thị trấn Hoàng Mai mua 1 chai Ringer Lactate truyền cho bệnh nhân. Truyền được nửa chai thì bệnh nhân hồi tỉnh, sau đó còn sống thêm được mấy năm.

Năm 1997, dịp bệnh viện kỉ niệm 40 năm thành lập, Bộ trưởng Bộ Y tế về dự cũng đã khen thưởng cho bác sĩ Lê Công Danh vì quyết định sáng suốt, kịp thời này.

benh_nhan_trai_phong_quynh_lap_nghe_an_14jpg.jpg
Chăm sóc bệnh nhân phong là công việc đòi hỏi phải có tính kiên trì và đầy lòng yêu nghề

Năm 2020, bác sĩ Lê Công Danh nhận quyết định nghỉ hưu, ông được Thầy thuốc nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dương - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập thuyết phục và mời cộng tác làm việc.

Từ đó đến nay, mặc dù đã chuyển đến công tác tại khoa Ngoại Sản, nhưng mỗi khi có dịp về lại khu điều trị, ông vẫn dành thời gian đi thăm những bệnh nhân thân thiết, những người dường như đã trở thành ruột thịt của ông sau 38 năm gắn bó.

tile2-bai-3-copy.jpg

Còn đối với hộ lí Nguyễn Thị Luyến - người đã có 37 năm gắn bó với Khu điều trị bệnh nhân phong thì nơi đây cũng chính là ngôi nhà của chị.

Sinh ra và lớn lên ở làng phong Quỳnh Lập, chị Luyến là con của bệnh nhân phong nên thấu hiểu hơn ai hết những mặc cảm, đau đớn, tủi nhục mà người thân mình đã trải qua.

Từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, cũng như bao đứa trẻ sinh ra ở làng phong, chị Luyến gần như không mấy khi bước ra khỏi làng. Trường học dành cho con em của người mắc bệnh phong cũng tách biệt với thế giới bên ngoài.

Ngay cả khi Chương trình phòng chống bệnh phong được triển khai tích cực thì việc chuyển biến nhận thức về bệnh phong của xã hội và người dân vẫn vô cùng gian nan.

Chứng kiến những người già cô đơn, vết thương nặng khiến họ không thể tự mình xoay xở được nhưng thiếu bàn tay chăm sóc, chị Luyến không tránh khỏi cảm giác xót xa.

77e331ac-ef1f-496e-a50e-4810292cab08.jpg
Hi vọng xã hội sẽ dành thêm nhiều sự quan tâm hơn nữa đối với những người đã chịu quá nhiều bất hạnh này.

Những năm 80 của thế kỉ XX, ngay cả nhiều thầy thuốc vẫn chưa thoát khỏi tâm lý e ngại khi trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân phong, vì thế Khu điều trị phong thiếu nhân lực y tế trầm trọng.

Trước tình trạng đó, năm 1987, bác sĩ Nguyễn Sỹ Hóa - Giám đốc Bệnh viện lúc bấy giờ đã xin Bộ Y tế mở một lớp y tá sơ cấp dành cho con của những bệnh nhân phong đi học, sau đó quay trở lại phục vụ tại khu điều trị.

Chị Luyến đã tình nguyện tham gia lớp học này. Kết thúc khóa học, chị trở về khu điều trị dành cho các bệnh nhân cần chăm sóc toàn diện.

Không quản ngại bất cứ khó khăn gì, chị làm tất tật mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ, quét dọn, vệ sinh thân thể cho đến bón từng thìa cháo cho bệnh nhân.

Lúc cao điểm, nơi đây có gần 200 bệnh nhân nặng. Đa số họ bị những tổn thương rất phức tạp trên cơ thể, chân tay lở loét, có người cụt cả chân, cụt tay rất thương tâm. Tâm lý bệnh nhân cũng rất chán nản.

Vì thế, không chỉ trực tiếp chăm sóc, chị còn cùng với cán bộ y tế ở Khu điều trị phong thuyết phục bệnh nhân không bỏ dở việc điều trị.

Bệnh nhân phong đa số là người cao tuổi, lại bị bệnh tật hành hạ nên tính tình cũng rất thất thường. Chị Luyến trở thành người con, người cháu ân cần chăm sóc, động viên tinh thần cho họ. 37 năm gắn bó nơi đây, chị thuộc lòng từng thói quen, sở thích của mỗi bệnh nhân, nhắc nhở họ giờ giấc uống thuốc, từng lịch hẹn khám bệnh.

Và cũng chính ở mảnh đất làng phong này, chị Luyến đã tìm được mái ấm hạnh phúc của đời mình. Các con của chị được học hành đến nơi đến chốn, con gái của chị sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Y cũng đã được nhận về làm việc tại bệnh viện.

Luôn nỗ lực xoa dịu nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần cho các bệnh nhân

Hiện tại, khu điều trị bệnh nhân nặng chỉ có 4 hộ lý, công việc rất nhiều nhưng các chị không đề nghị bổ sung thêm người mà chỉ có mong muốn được gắn bó với nơi này cho đến lúc nghỉ hưu.

Chị Luyến cho biết: “Từng đó năm sống ở đây, tôi đã xem các cụ là người thân, phải tự tay chăm sóc họ thì tôi mới cảm thấy yên tâm. Chỉ mong rằng, xã hội sẽ dành thêm nhiều sự quan tâm hơn nữa đối với những người đã chịu quá nhiều bất hạnh này”.

Loạt bài: Thầm lặng gieo mầm cho sự sống hồi sinh

Bài 1: Nơi tận cùng nỗi khổ

Bài 2: Chữa trị cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng

Bài cuối: Những người dành cả đời gắn bó với bệnh nhân phong

Thực hiện: Gia Ân - Thanh Thủy

Gia Ân-Thanh Thủy