Giao thông

Tuyến Metro Nam Thăng Long có được coi là dự án quan trọng quốc gia?

Gia Khánh 01/11/20 11:59

Việc UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án) từ 19.555 tỷ đồng lên 35.588 tỷ đồng đã làm dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia

Trước đó, năm 2007, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội (tuyến số 2), giai đoạn 1: Từ Liêm/Nam Thăng Long - Thượng Đình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Danh mục các chương trình, dự án đề nghị vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản tài khóa 2007.

mtro.jpeg
Dự án tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đề xuất nâng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng thành 35.588 tỷ đồng.

Thời điểm đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị chia dự án thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án 1 (giai đoạn 1): có điểm đầu từ ga C1 (Từ Liêm/Nam Thăng Long), điểm cuối trên phố Trần Hưng Đạo (ga C11), Dự án 2 (giai đoạn 2): có điểm đầu là điểm cuối của Dự án 1 (ga C11), điểm cuối là khu vực Thượng Đình (ga C16).

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Từ Liêm - Thượng Đình. Theo đó đồng ý về mặt nguyên tắc phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn, UBND TP Hà Nội lựa chọn và chịu trách nhiệm về phương án phân kỳ Dự án đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

Ngày 13/11/2008, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2054/QD- UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án với tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng Việt Nam, tương đương với 131,023 tỷ JPY. Theo quy định tại Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ, dự án công trình giao thông đường sắt có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên như ở Dự án này thuộc dự án nhóm A.

Tuy nhiên, trong Tờ trình số 275/TTr-UBND ngày 12/8/20 gửi Chính phủ mới đây về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, UBND TP Hà Nội đã đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án này từ 19.555 tỷ đồng thành 35.588 tỷ đồng, tương đương 200,744 tỷ JPY.

Với việc điều chỉnh này dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư công năm 2019, dự án có sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trở lên là dự án quan trọng quốc gia.

Ai có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư?

Liên quan thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, dẫn các quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Tư pháp cho rằng, với quy định tại khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP và khoản 5, 6 Điều 43, Điều 101 Luật Đầu tư công có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Vì thế, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật này làm rõ “cấp có thẩm quyền” quyết định chủ trương đầu tư tại khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công có phải là Quốc hội hay không.

Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội cho rằng, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư công năm 2019, Điều 19 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (Nghị định số 114/2021/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04/5/2023 của Chính phủ và khọản 3 Điều 104 Nghị định 29/2021/NĐ-CP, UBND TP Hà Nội xác định việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Để củng cố quan điểm này, UBND TP. Hà Nội còn thông tin thêm, trước đó, Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là dự án nhóm A trong quá trình thực hiện có phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia tương tự như Dự án này. Tuy nhiên, sau đó đã được cơ quan chức năng xác định thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngày 30/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội tại Quyết định số 588/QĐ- TTg.

metro2.jpg
Tổng chiều dài tuyến của dự án được đề xuất là 11,5 km, trong đó gần 9 km đi ngầm.

Đề cập đến thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ KH&ĐT khẳng định: Dự án trước khi điều chỉnh là dự án nhóm A, đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Danh mục dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản tại văn bản số 4899/VPCP-QHQT ngày 30/8/2007, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 123/VPCP-CN ngày 07/01/2008, nay điều chỉnh chủ trương đầu tư vẫn thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Bộ này, Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về điều chỉnh chương trình, dự án, trong đó, Khoản 5 quy định các trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án. Theo đó, khoản 5 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về trường hợp phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, không quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, Dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ- UBND ngày 13/11/2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, nay điều chỉnh tăng thành 35.588 tỷ đồng nên phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy nói trên.

Phải báo cáo Quốc hội về vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia

Về thẩm quyền cho phép bố trí vốn qua 03 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện Dự án, Bộ KH&ĐT cho biết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, dự án đang trong quá trình thực hiện mà có sự thay đổi dẫn đến dự án đó thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì dự án đó được tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh dự án như đối với dự án hoặc nhóm dự án trước khi điều chỉnh; người quyết định đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.

Vì thế, theo Bộ KH&ĐT, trên cơ sở đó tại Tờ trình số 275/TTr-UBND ngày 12/8/20, UBND TP Hà Nội đã đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện và báo cáo nội dung này khi báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án vào kỳ họp cuối năm theo quy định tại Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP.

Gia Khánh