Vấn đề quan tâm

Báo động tình trạng tội phạm ngày một "trẻ hóa"

Trang Nhi 02/11/20 - 08:30

Việc tội phạm có xu hướng trẻ hóa cho thấy mặt trái của cơ chế thị trường và sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong xã hội, sự suy giảm đạo đức xã hội.

Gia tăng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật

Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ khiến việc tiếp cận với phim ảnh, trò chơi trên internet rất dễ dàng. Nếu cha mẹ thiếu kiểm soát hoặc bỏ mặc, cho con xem, tiếp xúc với những chương trình không phù hợp với độ tuổi... thì dễ biến những đứa trẻ thành những đứa trẻ ưa bạo lực, có những suy nghĩ lệch lạc.

toi-pham-tre-hoa.jpeg
Vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp và ngày càng trẻ hoá.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, độ tuổi vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hoá: Dưới 14 tuổi 67 đối tượng (2,1%); từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi 796 đối tượng (25,3%); từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi 2.287 đối tượng (72,6%). Như vậy, có thể thấy, có xấp xỉ 30% số đối tượng dưới 16 tuổi phạm tội.

Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động.

Tình trạng tội phạm đang trẻ hóa đang ở mức báo động khi ngày càng gia tăng các vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và sự phát triển của đất nước.

Thực trạng ngày càng gia tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Nếu như trước đây, trẻ vị thành niên chủ yếu vi phạm các tội danh như trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, thì giờ đây lại đa dạng hơn các tội danh như cướp tài sản, hành hung, giết người, hiếp dâm,...

Nghiên cứu xây dựng bộ máy tư pháp hoàn chỉnh

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên phạm tội, Ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội nhận định, ngoài những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm hình sự nói chung, còn có những đặc điểm riêng như lứa tuổi, đặc trưng về tâm sinh lý... và những lý do xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội.

giao-luu.jpg
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình giao lưu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật với học sinh trường THPT Thạch Yên, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Theo Công an TP Hà Nội, ngoài các đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phức tạp, thì đa số các đối tượng trẻ vị thành niên đều đang sống với gia đình. Qua đó, có thể thấy vấn đề giáo dục con cái trong nhiều gia đình hiện nay chưa thực sự được chú trọng, quan tâm.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân xuất phát từ nhà trường và xã hội. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên liên tục; công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nhiều nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong trường học hiện nay còn nhiều bất hợp lý (ví dụ như việc xử lý đối với các học sinh vi phạm kỷ luật ở hình thức buộc thôi học, dẫn đến các em bị thất học, không có việc làm, bị đối tượng xấu lôi kéo); sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội...

Hiện đã có hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em như: Quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục… nhưng nhiều điều khoản còn mâu thuẫn và áp dụng chưa hiệu quả.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án mặc dù để lại hậu quả nhưng không thể đưa ra xét xử chỉ vì người vi phạm mới chỉ ở độ tuổi 14-16. Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 20, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như sau: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đơn cử như: tội giết người (Điều 123), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (theo Điều 143)…

Để hạn chế vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên, theo Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương, cần phải có nhiều giải pháp phòng ngừa. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về thanh niên, trẻ em, bao gồm cả hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng bộ máy tư pháp hoàn chỉnh để áp dụng các quy định đặc thù về người chưa thành niên phạm tội như: Tòa án chuyên biệt, chế độ giam giữ, công tác cán bộ, cơ sở vật chất dành riêng cho người chưa thành niên. Có cơ chế đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên trách tiến hành tố tụng đối với các vụ án người chưa thành niên phạm tội...

Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về vai trò và trách nhiệm của gia đình và nhà tường trong việc giáo dục trẻ em vị thành niên; chú trọng hơn nữa việc quản lý, giáo dục trẻ em trong mỗi gia đình và nhà trường; tạo môi trường thuận lợi cho trẻ vị thành niên phát triển lành mạnh, hoàn thiện nhân cách…

Trang Nhi