Đánh thuế đất để kiểm soát tình trạng đầu cơ bất động sản
Một số chuyên gia pháp lý về bất động sản cho rằng, sử dụng hiệu quả công cụ thuế sẽ giúp có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “Vì sao giá đất chỉ thấy tăng, không thấy giảm?”.
Bên cạnh đó, còn một số nội dung cần cân nhắc để bảo đảm tính thấu đáo, toàn diện, hiệu quả, tránh những tác động tiêu cực đối với thị trường bất động sản.
Tháng 9-20, Bộ Xây dựng có Công văn số 5333/BXD-QLN gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản. Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua tại một số khu vực, một số thời điểm đã xuất hiện hiện tượng nhiều cá nhân, hội, nhóm mua nhà, đất không phải mục đích để ở mà nhằm mua đi bán lại trong thời gian ngắn kiếm lời. Các cá nhân môi giới bất động sản có nguy cơ gây nhiễu loạn thị trường.
“Do đó, giải pháp này nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, “tạo giá ảo”, “thổi giá”… đồng thời hỗ trợ người có nhu cầu ở thực có thể tiếp cận tốt hơn, giúp cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng nêu.
Diễn biến mới nhất, tại Kỳ họp thứ Tám đang diễn ra, Quốc hội nghe báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 20 đến hết năm 2023. Theo đó, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, trong đó có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở.
“Câu hỏi khi nào giá bất động sản sẽ giảm giá có lẽ không nằm trong các quy định hành chính trong Luật Đất đai hay Luật Đấu giá tài sản. Để kìm hãm đà tăng của giá đất vẫn nằm ở một công cụ truyền thống: Thuế với người sở hữu nhiều đất”, luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm.
Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, yêu cầu “quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”. Do đó, chính sách thuế là công cụ hiệu quả để kiểm soát tình trạng đầu cơ, lướt sóng và kinh doanh bất động sản.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Cao Thị Thanh Hương, quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam (đơn vị tư vấn bất động sản) cho biết, thuế bất động sản là công cụ tài chính thường xuyên được thảo luận trong khung pháp lý của các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, chủ sở hữu bất động sản ở Việt Nam không phải chi trả thuế tài sản, trong khi khung thuế, phí chuyển nhượng thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc xác định giá trị giao dịch chính xác, minh bạch hóa các giao dịch, cũng như xác định rõ ràng quyền sở hữu là những vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, việc xác định mức thuế hợp lý cũng là một bài toán cần giải quyết để vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành bất động sản, vốn có mối liên kết chặt chẽ với nhiều ngành kinh tế khác.
"Nếu mục đích đánh thuế chỉ để nhắm đến nhóm đối tượng nhất định như vậy thì sẽ không làm giảm giá bất động sản. Bởi cho dù đánh thuế, người mua hay các nhà đầu tư chỉ giảm tần suất mua nhà, giảm số lượng giao dịch khiến thị trường bớt nóng chứ giá cả thực tế vẫn leo thang", bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội nêu quan điểm.
Theo bà Nguyễn Hoài An, sử dụng thuế bất động sản cũng giống như việc dùng thuốc, sẽ có những tác dụng phụ không mong muốn nếu như không dùng đúng cách và đúng liều lượng. Tại Việt Nam, đánh thuế một cách "đại trà" thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đại đa số người dân có nhu cầu mua để ở thực, bởi chính họ là người sẽ chịu các khoản thuế phí cuối cùng. Mặt khác, những gia đình làm việc chăm chỉ, tích góp nhiều năm muốn mua thêm căn nhà thứ 2, thứ 3 cho con cái, tuy nhiên khi chưa sử dụng đến họ cho người khác thuê. Các cơ quan chức năng cần cân nhắc, tính toán để áp dụng một cách hợp lý, tránh gây nên tác dụng phụ là tận thu thuế. Quan trọng nhất vẫn là xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ. Khi chúng ta đánh thuế hợp lý, thị trường cũng sẽ phát triển ổn định, minh bạch hơn.
Trước các khuyến cáo này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vương Duy Dũng cho hay, đây là chính sách mới nên việc nghiên cứu, đề xuất cần thấu đáo, toàn diện. Khi xây dựng chính sách cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ đánh giá tác động đầy đủ đến các đối tượng chịu tác động của chính sách, doanh nghiệp kinh doanh, người dân, bên bán, bên mua, bên thuê. Ngoài ra, các chính sách này cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể phát triển kinh tế - xã hội trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh tác động tiêu cực đến thị trường cũng như các hoạt động kinh doanh, giao dịch bất động sản.