Cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim
Ngày 4/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã cứu sống bệnh nhân 26 tuổi bị viêm cơ tim biến chứng choáng tim – suy đa cơ quan bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ), lọc máu liên tục, hồi sức nội khoa tích cực.
Ngày 23/10, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhận điện thoại hội chẩn từ xa với tuyến trước về một trường hợp viêm cơ tim rất nguy kịch.
Qua trao đổi thông tin tình trạng bệnh nhân, Ban Giám đốc bệnh viện chỉ đạo khoa Cấp cứu tổng hợp, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, huy động ê-kip ECMO, ê kíp tạo nhịp sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân được chuyển đến.
Theo đó, bệnh nhân nữ N. T. Y. N., (sn 1998, ngụ tại Vĩnh Long) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc giờ 40 phút ngày 23/10 trong tình trạng suy hô hấp, bệnh mê, bóp bóng, kích thích, vật vã, thở nhanh, nhịp tim rất nhanh, da xanh, chi lạnh, toan chuyển hóa nặng, huyết áp thấp, đang sử dụng thuốc vận mạch liều cao.
Trước đó 02 ngày bệnh nhân sốt đau đầu, đau họng đau cơ, có dùng thuốc không giảm, đang đi khám bệnh cho con (08 tháng) tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ xuất hiện tình trạng mệt khó thở nên nhập viện tại bệnh viện địa phương trong tình trạng nguy kịch khó thở, vật vả, loạn nhịp thất có biến chứng ngưng tim10 phút được xử trí cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn liên tục, sốc điện 10 lần, dùng thuốc chống loạn nhịp và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Ngay khi nhập viện khoa Cấp cứu, bỏ qua mọi thủ tục hành chánh bệnh nhân được chuyển thẳng đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, kết quả kiểm tra ghi nhận giảm động gần toàn bộ các thành tim, siêu âm tim phân suất tống máu giảm nặng EF còn 20% (bình thường ≥60%).
Chẩn đoán viêm cơ tim cấp biến chứng loạn nhịp thất - choáng tim ngưng tim đã hồi sức thành công - suy đa cơ quan.
Cùng lúc 02 ê-kíp thực hiện: đặt máy tạo nhịp tạm thời, kỹ thuật ECMO-VA (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) được thực hiện nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng tim và tuần hoàn cho người bệnh.
Các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, duy trì thuốc vận mạch, điều chỉnh toan, an thần, giảm đau, giãn cơ, kháng sinh, điều trị loạn nhịp, tăng sức co bóp cơ tim, lọc máu liên tục .
Sau 45 phút thực hiện xong 02 kỹ thuật, tình trạng rối loạn nhịp và huyết động bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được thay huyết tương do tình trạng suy gan nặng, tắc mật, điều trị nội khoa tích cực, dinh dưỡng hỗ trợ, tập vật lý trị liệu,...
Sau can thiệp ECMO ngày thứ 05, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, huyếp áp ổn định, nhịp tim đều, liều thuốc vận mạch giảm dần, chức năng co bóp cơ tim cải thiện tốt.
Ngày 30/10, bệnh nhân được chỉ định ngưng hệ thống ECMO thành công, đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, phổi thông khí tốt.
Tình trạng hiện tại của bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, nhịp tim, siêu âm tim sức co bóp cơ tim trở về gần như bình thường, các xét nghiệm các cơ quan dần ổn định.
Sự phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân đã mang lại niềm vui mừng rất lớn cho tập thể y, bác sĩ bệnh viện và cũng là phần thưởng cho sự nỗ lực không ngừng, quyết tâm cứu sống bệnh nhân của tập thể nhân viên y tế bệnh viện.
BSCKII Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc thông tin: Thành công của ca bệnh phối hợp nhiều yếu tố: nỗ lực cấp cứu ban đầu, sự chuyển viện an toàn và kịp thời của tuyến trước, sự phối hợp đồng bộ, vững chuyên môn giữa các chuyên khoa, quyết tâm của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đặc biệt là ê-kíp thực hiện kỹ thuật ECMO của bệnh viện.
Cũng theo bác sĩ Phước, kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) hay hỗ trợ sự sống ngoài cơ thể là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi hay cả hai không thể hoạt động bình thường.
Phương pháp này giúp thay thế tim hoặc phổi hay cả hai trong thời gian ngắn. ECMO cũng là cầu nối cho người bệnh nặng đang chờ ghép tim, ghép phổi.
Đây cũng là một kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại được thực hiện thường quy tại bệnh viện. Trước đó, rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng nguy kịch trong nhiều chuyên khoa khác nhau đã được hồi sinh ngoạn mục nhờ kỹ thuật nói trên.