Thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào nền kinh tế
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An băn khoăn, tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư? Chính phủ cần làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào nền kinh tế...
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 20; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về 4 nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 20; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Mạnh dạn giao doanh nghiệp tư nhân thi công công trình trọng điểm quốc gia
Theo Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, hiện nay chúng ta đang dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển xã hội. Trong đó, đã dành một nguồn lực đầu tư công rất lớn để đầu tư về giao thông. Với một nguyên tắc, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, nhưng tỷ lệ phát triển tăng đầu tư tư đang ngày càng suy giảm.
Nhưng giai đoạn hiện nay tăng đầu tư tư chỉ đạt khoảng 7%, chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước. Băn khoăn tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư, Đại biểu cho rằng cần làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào vào nền kinh tế". Trong đó, phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột và phải đầu tư doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Đại biểu đề xuất, đối với công trình trọng điểm quốc gia, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư để tăng tỷ trọng đầu tư tư đối với toàn xã hội.
Đối với vấn đề lãng phí, đại biểu cho biết, Nghị quyết 78 của Quốc hội năm 2022 đã nêu danh mục 13 dự án trọng điểm để chậm trễ; 19 dự án để hoang hóa; 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng... Đại biểu cho rằng, đây là cơ sở hết sức quan trọng trước khi chúng ta hình thành văn hóa chống lãng phí trong người dân, trong doanh nghiệp, cần phải xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra. Điều này vừa có tác dụng cảnh tỉnh, vừa làm gương nhưng cũng vừa cắt đi phần lãng phí mà lâu nay đang tồn tại, "những số liệu đã nêu khiến chúng ta rất đau lòng".
Giảm thuế, ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân
Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, hiện nay tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp. Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ lao động; các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp "đặt hàng" các doanh nghiệp lớn, khuyến khích họ tham gia từ khâu xây dựng chương trình, mục tiêu đào đạo, doanh nghiệp trở thành địa chỉ thực hành, là nơi giải quyết việc làm cho người học.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân phát triển "bằng các ưu đãi như giảm thuế, ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chi phí đào tạo, bù lương cho nhân viên tham gia đào tạo, khấu trừ một phần chi phí doanh nghiệp trong năm tài chính" cho đào tạo như kinh nghiệm của Đức và Tây Ban Nha nhằm tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của nguồn nhân lực trẻ, dồi dào.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Đại biểu nhấn mạnh, đây là mắt xích quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
“Mặc dù Việt Nam được xếp hạng chỉ số chất lượng hạ tầng toàn cầu năm 2023 tăng 2 bậc, đứng thứ 52/185 quốc gia và dù chi phí logistics có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao, chiếm tới 16,8-17% GDP, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Cần tháo gỡ cho doanh nghiệp logistics nội địa, hiện chiếm 89% về số lượng nhưng chỉ chiếm 30% thị phần bằng việc hoàn thiện đồng bộ 3 chân kiềng: hạ tầng, nhân lực và cơ chế; ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ logistics xanh và công nghệ số hóa, miễn thuế cho doanh nghiệp logistics bên thứ 3, cũng như miễn thuế cho doanh nghiệp phát triển cảng và đường thủy…”- đại biểu Vân phân tích.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hệ thống giám sát, xử lý hành vi vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh tin cậy, công bằng và minh bạch.
Theo đại biểu, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới, quy mô thị trường đạt 14,7 tỷ USD. "Thực trạng gần đây cho thấy, có một số sàn giao dịch thương mại điện tử ngang nhiên hoạt động khi chưa đăng ký sử dụng nền tảng số tại Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp Việt có thể thua ngay trên sân nhà". Đại biểu cho rằng, tình trạng này không chỉ gây thất thu thuế, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng trước nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh.