Dự án Bản Mồng hơn 14 năm chưa hẹn ngày về đích
Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chính thức phê duyệt giai đoạn 1 Dự án hồ chứa nước Bản Mồng tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) với tổng mức đầu tư là 3.744 tỷ đồng. Sau hơn 14 năm kể từ khi khởi công, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng vẫn chưa thể tích nước.
Năm 2010, DA Bản Mồng được khởi công và được chia thành 2 hợp phần chính gồm, hợp phần cụm công trình đầu mối do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư và hợp phần về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Sở NN&PTNT Nghệ An đảm nhiệm.
Công trình có thiết kế với sức chứa 225 triệu m3 nước. Khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ tưới tiêu cho gần 20.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và 3 xã của huyện Anh Sơn. Đồng thời, cấp nước về sông Cả vào mùa hạn với lưu lượng 23m3/s và cắt giảm lũ vào mùa mưa.
Ngoài ra, công trình còn tham gia kết hợp phát điện với công suất 45MW, cải tạo môi trường, giảm một phần lũ cho vùng hạ du sông Hiếu. Theo thiết kế, đập chính được xây dựng bằng bê tông dài 221m, cao hơn 45m; tràn xả lũ gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 75m.
Theo quan sát của PV, hiện công trình đã hoàn thành phần xây dựng và lắp máy, đường dây 110. Nếu đúng tiến độ, nhà máy sẽ phát điện quý I năm 2021, nhưng do hồ thủy lợi chưa thể tích nước nên công trình chưa đi vào vận hành. Ngoài ra, nhà điều hành chưa được đưa vào sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí, một số khu vực tái định cư vẫn còn dở dang.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phụ trách Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (Sở NN&PTNT Nghệ An) cho biết, liên quan đến DA Bản Mồng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đồng ý bố trí thêm 234 tỷ đồng để thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư theo Quyết định số 18/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm rà soát, cân đối trong phạm vi tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao, bố trí đủ vốn 234 tỷ đồng để hoàn thành dự án theo tiến độ vào năm 2025.
Trong tổng số hơn 230 tỷ được Chính phủ bố trí, có 75 tỷ dùng để xử lý, khắc phục sạt lở kênh tiêu Châu Bình, số còn lại giao cho 2 huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp rà soát, bố trí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện chúng tôi đang tiến hành làm các thủ tục điều chỉnh dự án của kênh tiêu Châu Bình, dự kiến sẽ triển khai vào tháng 4/2025.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, với DA Bản Mồng, huyện có trách nhiệm triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Giai đoạn đầu cơ bản đã hoàn thành, khi có nguồn vốn bổ sung từ QĐ 18 của Chính phủ, huyện đang rà soát theo đúng tiến độ, để trình UBND tỉnh bố trí bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo quy định.
Được biết, DA Bản Mồng được Quốc hội thông qua chủ trương (Nghị quyết 135) chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích hơn 1.130 ha, trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Trong đó, diện tích trên địa bàn Nghệ An gần 545 ha rừng tự nhiên và rừng trồng.
Năm 2021, tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hơn 360 ha. Phần còn lại gần 185 ha chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng và đang chờ Bộ NN&PTNT bố trí tiếp nguồn kinh phí trồng rừng thay thế.
Liên quan đến dự án này, ngày 31/10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban 4 (Bộ NN&PTNT) và các đơn vị liên quan trong quá trình đầu tư, thực hiện DA Bản Mồng.
Cơ quan điều tra xác định, dự án này bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
Hiện Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 8 bị can gồm các lãnh đạo, cán bộ Ban 4 và lãnh đạo, cán bộ Công ty Hoàng Dân.