Văn hóa - Du lịch

Người dân lên kế hoạch du lịch qua mạng ngày càng nhiều

Kim Sáng 07/11/20 - 12:21

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, hầu hết người dân đều lên kế hoạch du lịch qua mạng (chọn địa điểm, đặt phòng, tìm chỗ vui chơi...) trước khi quyết định xê dịch.

Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu đối với các ngành nghề giai đoạn hiện nay, trong đó có lĩnh vực du lịch. Nó mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn cho các doanh nghiệp.

Bắt kịp xu thế đó, nhiều người dân cũng đang chuyển mình để việc đi du lịch trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Trước đây, để có một chuyến du lịch hoàn hảo, mọi người phải lên kế hoạch trước nhiều ngày, sau đó đi mua vé xe, vé tàu hoặc vé máy bay, khi đến nơi sẽ đi tìm nơi lưu trú rồi tham khảo dân bản địa các địa điểm vui chơi, dịch vụ ăn uống...

Không chỉ tốn thời gian mà đôi khi còn gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười như bị chặt chém, hoặc đến nhầm địa chỉ...

da-lat-3-ngay-2-dem-10.jpg
Các bạn trẻ có xu hướng lên kế hoạch du lịch qua mạng ngày càng nhiều (Nguồn: @chii_annie).

Tuy nhiên, trong bối cảnh 4.0 hiện nay, chỉ với vài thao tác đơn giản trên mạng, người dân có thể dễ dàng chọn địa điểm du lịch, đặt vé xe, đặt phòng khách sạn, lựa chọn hành trình đi chơi...

Một kế hoạch du lịch hoàn hảo, với các mức giá công khai sẽ được thiết lập sẵn chỉ chờ bạn xách balo lên và xê dịch.

"Hồi xưa, thời bố mẹ tôi muốn đi du lịch phải lên kế hoạch trước cả tháng nhưng giờ mọi thứ tiện ích hơn, tôi hay đặt vé máy bay, vé xe... qua ứng dụng Traveloka, mới đây có thêm ứng dụng TiimHotel.vn để đặt phòng khách sạn, nói chung giờ chỉ cần tiền chứ việc lên kế hoạch đi du lịch rất dễ dàng", chị Hải Yến (TP.HCM) chia sẻ.

Cùng quan điểm, anh Ngọc Hải chia sẻ: "Tôi là một nhân viên văn phòng nên không có nhiều thời gian, đôi lúc chỉ được nghỉ cuối tuần nên trước mỗi chuyến du lịch chúng tôi đều lên kế hoạch qua mạng, chờ đến ngày là đi. Giá cả trên các ứng dụng đều công khai, thậm chí còn có review nên không lo sợ bị chặt chém".

Dữ liệu của Klook - nền tảng thương mại điện tử về trải nghiệm và du lịch - chỉ ra 54% Gen Z ở châu Á - Thái Bình Dương và 69% Gen Z ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội làm công cụ đầu tiên để tìm cảm hứng và lập kế hoạch du lịch.

Đặc biệt, hơn 80% khách du lịch châu Á - Thái Bình Dương và có tới 91% du khách Việt Nam đặt dịch vụ du lịch dựa trên các đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt Nam là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.

Người Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc sử dụng Facebook (95%) và TikTok (83%) làm nền tảng truyền cảm hứng du lịch cho họ.

10 tháng đầu năm 20, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 12 triệu lượt người, chiếm 84,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 2 triệu lượt người, chiếm 13,9% và tăng 65,7%; bằng đường biển đạt 189,1 nghìn lượt người, chiếm 1,3% và tăng 172,3%.

Xét về số lượng, các quốc gia châu Á tiếp tục là nguồn khách chính, chiếm gần 80% tổng lượng khách quốc tế. Hàn Quốc đứng đầu danh sách với 3,7 triệu lượt khách, chiếm 26,4% tổng lượng khách, tiếp theo là Trung Quốc với 3 triệu lượt khách (chiếm 21,3%). Các thị trường gửi khách đông nhất còn lại gồm Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ, Australia.

    Kim Sáng