Nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh
Vừa qua, tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ tháng 11/20, đại diện Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời quảng bá vẻ đẹp văn hóa truyền thống đến với công chúng trong và ngoài nước. Đây là dịp để tôn vinh một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, thể hiện cam kết bảo vệ di sản văn hóa và quảng bá rộng rãi bản sắc dân tộc.
Cụ thể, Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh sẽ được tổ chức vào tối ngày 23/11/20 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh (Nghệ An) được truyền hình trực tiếp trên sóng NTV.
Bên cạnh lễ kỷ niệm, Nghệ An còn tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới cho dân ca Ví, Giặm, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11-20, nhằm khuyến khích các tác giả trẻ và nghệ nhân sáng tạo những tác phẩm mới trên nền di sản dân ca truyền thống. Cuộc thi là một trong những hoạt động nổi bật giúp phát huy sức sống của dân ca Ví, Giặm trong đời sống hiện đại, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân Nghệ Tĩnh. Kết quả cuộc thi sẽ được tổng kết và trao thưởng vào tháng 11/20.
Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản” và Cầu truyền hình Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm”. Chương trình được khai mạc vào ngày 27/11 và bế mạc vào ngày 30/11/20.
Hai tỉnh cũng phối hợp tổ chức Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh có sự tham gia của các tỉnh bạn: Lâm Đồng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Phú Thọ. Đồng thời, hai tỉnh cũng sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị - Hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát triển giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào ngày 29/11 tại thành phố Hà Tĩnh.
Đặc biệt, từ ngày 22 đến 26/11/20, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tại Trung tâm Văn hóa, Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Triển lãm nhằm tôn vinh các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam, bao gồm cả di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, ký ức, các di tích quốc gia, danh lam thắng cảnh và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Qua đó, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Đồng thời, trưng bày “Những bài thơ của Bác Hồ trên Sen thư pháp”; Không gian văn hóa trà Việt; trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng; Triển lãm “Áo dài Việt Nam”… Tổ chức không gian trưng bày “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống” của các tỉnh, thành phố tại phố đi bộ Hồ Tùng Mậu, thành phố Vinh với sự tham gia của rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về tham dự.
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức không gian trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống tại phố đi bộ Hồ Tùng Mậu từ ngày 22-26/11/20; tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật...
Sự kiện này không chỉ là dịp kỷ niệm quan trọng, mà còn là cầu nối đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến gần hơn với cộng đồng trong nước và quốc tế. Qua đó, Nghệ An và Hà Tĩnh mong muốn thúc đẩy du lịch văn hóa, tạo động lực thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định vị thế và hình ảnh của di sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Vào 23h05 ngày 27/11/2013 (giờ Hà Nội), tại Paris, Pháp, UNESCO đã công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tối 31/1/2014, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Vinh, Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, xuất hiện đã hàng trăm năm, được cư dân Nghệ Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt đời thường.
Bởi vậy, các lối hát ví, giặm cũng được gọi tên theo các hoạt động như: Ví phường vải, ví trèo non, ví phường cấy, giặm kể, giặm vè, giặm cửa quyền… Được trao truyền bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư.
Không chỉ được ra đời trong quá trình thực hành lao động, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn là hình thức giải trí cộng đồng, là phương tiện nghệ thuật rất đặc trưng biểu đạt tâm tư, tình cảm, cốt cách và diện mạo người Nghệ.