Sức khỏe

Việc hút thuốc lá của những người nổi tiếng ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ

Chu Lương 08/11/20 - 19:59

Việc các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như là một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn gây ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ. Bên cạnh đó các công ty thuốc lá có thể thông qua những người nổi tiếng, tác phẩm sân khấu, điện ảnh, các MV ca nhạc để quảng bá cho hành vi hút thuốc.

img_7266.jpg
Hội nghị xin ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 25/2018/ TT- BVHTTDL ngày 30 /8/2018 về hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh.

Ngày 8/11, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị xin ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 25/2018/ TT- BVHTTDL ngày 30 /8/2018 về hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh.

Hội nghị được tổ chức xin góp ý của các bên liên quan để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/8/2018 về việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh.

Ông Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch tham dự, phát biểu và điều hành Hội nghị. Cùng tham dự và chủ trì Hội nghị có Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTH thuốc lá), lãnh đạo các đơn vị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đại diện tổ chức Vital Strategies, tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số.

Tại hội nghị, bà Phan Thị Hải Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ PCTH thuốc lá, cho rằng việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/8/2018 về việc hạn chế tối đa hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh là hết sức quan trọng và cần thiết.

Hiện nay, việc các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như là một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn gây ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ.

Bên cạnh đó các công ty thuốc lá có thể thông qua những người nổi tiếng, tác phẩm sân khấu, điện ảnh, các MV ca nhạc để quảng bá cho hành vi hút thuốc.

Hiện nay, theo quy định của Luật Quảng cáo đã cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức, Luật Thương mại cấm khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá để khuyến mại dưới mọi hình thức.

courtney-love-hut-pod-400x400.jpg
Việc hút thuốc lá của những người nổi tiếng ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ (Ảnh minh họa).

Kinh nghiệm một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy, việc quản lý chặt chẽ các hình ảnh sử dụng thuốc lá và các dụng cụ liên quan tới thuốc lá như gạt tàn, biển quảng cáo, các nhãn hiệu, màu sắc liên quan tới các thương hiệu thuốc lá khác nhau là rất cần thiết và hiệu quả trong việc không gia tăng tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ.

Một số biện pháp mà Trung Quốc đang sử dụng để hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá như quản lý cấp giấy phép hoặc yêu cầu chỉnh sửa các phim nếu có hình ảnh liên quan tới thuốc lá, Giảm thời lượng các cảnh hút thuốc; không được hút thuốc trong các cảnh quay tại các tòa nhà công cộng hoặc những nơi cấm hút thuốc; không được chiếu cảnh trẻ vị thành niên hút thuốc hoặc mua thuốc lá, cấm mọi hình thức quảng cáo thuốc lá trên truyền hình, kể cả nhận diện sản phẩm thuốc lá; các vở kịch có quá nhiều cảnh hút thuốc sẽ không được đề cử vào bất kỳ giải thưởng xuất sắc nào trong lĩnh vực điện ảnh; các cơ quan quản lý có trách nhiệm quản lý và giám sát, yêu cầu các nhà sản xuất trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện các tác phẩm truyền hình không khói thuốc và khuyên các đạo diễn và diễn viên không quay các cảnh hút thuốc.

Ấn Độ đã ban hành quy định: phim và nội dung truyền hình phát sóng tại Ấn Độ mô tả thuốc lá phải có lý do hợp lý tại sao phải sử dụng hình ảnh thuốc lá; nội dung phim phải có thông điệp cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, hiển thị trong ít nhất 30 giây ở phần mở đầu và giữa chương trình. Ngoài ra, cần có các tuyên bố miễn trừ trách nhiệm dưới dạng âm thanh và hình ảnh với thời lượng tối thiểu là 20 giây.

Tại Hội nghị đa số các đại biểu thống nhất sự cần thiết phải hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân, khấu điện ảnh. Một số ý kiến tại Hội nghị khuyến nghị mở rộng phạm vi của Thông tư ra các tất cả các hình thức, trên các nền tảng (sân khấu, màn ảnh rộng, truyền hình và nền tảng internet), phim sản xuất trong nước và nhập khẩu, bổ sung các thông tin quy định cụ thể hơn đối với từng lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và đối tượng áp dụng thông tư.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Ông Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu cảm ơn sự tham gia ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị và nhấn mạnh cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên cơ sở đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với bối cảnh PCTH thuốc lá tại Việt Nam hiện nay để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Thông tư.

Chu Lương