Văn hóa - Du lịch

Tuyến đường xuyên rừng đẹp "quên lối về" ở TP.HCM

Kim Sáng 09/11/20 - 10:50

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km về phía Đông Nam, đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ được mệnh danh là cung đường xuyên rừng đẹp như tranh vẽ khiến ai qua đây cũng phải nán lại để chiêm ngưỡng.

W_rs4.jpg
Huyện đảo Cần Giờ nằm ở Đông Nam TP.HCM, là khu vực duy nhất của thành phố có vị trí địa lý giáp biển. Từ trung tâm TP.HCM, người dân, du khách sẽ đi từ đất liền tới phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) rồi chạy dọc đường Rừng Sác.
W_rs.jpg
Đây là con đường độc đạo để đi ra biển Cần Giờ. Trước đây, đường chỉ toàn đất sỏi nhỏ hẹp, qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp, đường Rừng Sác hiện nay đã được mở rộng thành 6 làn xe (3 làn mỗi bên) cùng dải phân cách bằng bồn cây xanh ở giữa. Cung đường này được nhiều người ví von đẹp như tranh vẽ khiến ai qua đây cũng phải nán lại.
W_dsc_3398.jpg
Dự án mở rộng đường Rừng Sác được đầu tư xây dựng từ năm 2002, sau gần 10 năm thi công, với tổng đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, đường Sác - Cần Giờ chính thức khánh thành vào năm 2011. Cả tuyến đường dài 36,5km, rộng 30m. Điểm cuối của tuyến đường là ngã tư 30/4, đây cũng là nút giao giữa đường Rừng Sác với khu du lịch biển, đồng thời dẫn vào ấp Hòa Hiệp (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).
W_rs3.jpg
Tuyến đường này chạy dọc huyện Cần Giờ, xuyên theo trục Tây Bắc - Đông Nam. Do nằm ở ngoại thành nên lưu lượng phương tiện qua đây chỉ lác đác, có những thời điểm cung đường hoàn toàn vắng bóng người. Đến du lịch ở Cần Giờ, ngoài phương tiện cá nhân, du khách có thể lựa chọn trải nghiệm xe buýt.
W_dsc_3396.jpg
Những ai lần đầu đi qua tuyến đường này đều ngỡ ngàng với vẻ đẹp thơ mộng, cùng bầu không khí trong lành. Nơi đây có khu dự trữ sinh quyển rộng hơn 75.000ha cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng. Khu vực rừng Sác được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào ngày 21/2/2000.
W_rs1.jpg
Trên tuyến đường Rừng Sác - Cần Giờ được xây dựng 8 cây cầu mới với tổng chi phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
W_dsc_3403.jpg
Cây xanh rợp bóng mát tạo cảm giác thư thái, dễ chịu cho người tham gia giao thông.
W_rs5.jpg
Trước đây, khi còn hoang sơ, người dân rất dễ bắt gặp những đàn khỉ băng qua đường, ngồi dọc trên các cây cầu nhưng hiện nay khỉ chủ yếu ở trong rừng Sác, ít chạy nhảy bên ngoài.
W_rs2.jpg
Đường Rừng Sác - Cần Giờ không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua.
W_dsc_3417.jpg
Trong tương lai, để trở thành một thành phố du lịch sinh thái chất lượng cao tầm quốc tế, huyện Cần Giờ được quy hoạch nhiều công trình, dự án lớn như Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cầu thay cho phà Bình Khánh, Cảng trung chuyển container quốc tế...

Kim Sáng