Đời sống

Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Đa dạng nhiều mô hình

Trần Tú 12/11/20 - 21:45

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đẩy mạnh tuyên tuyền, triển khai tích cực bằng nhiều cách thức khác nhau. Từ những mô hình đó, ý thức bà con dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao.

Trước thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng gia tăng, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian gần đây, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các trường học bậc THCS trên địa bàn.

Cuộc thi theo hình thức sân khấu hóa, với ba phần, gồm giới thiệu và tiểu phẩm, trắc nghiệm kiến thức tảo hôn, xử lý tình huống, đã mang đến những trải nghiệm mới, những kiến thức bổ ích cho lứa tuổi học sinh.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn cho biết: Đây là một trong những nội dung Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Việc tổ chức Hội thi, chính là điểm mới của công tác tuyên truyền nhằm hướng đến đối tượng chính là học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn huyện.

1(4).jpg
Lễ ra mắt câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An)

Những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được chuyển tải, tuyên truyền đến các em thông qua cuộc thi vừa mang tính giải trí, vui chơi, vừa mang tính tìm hiểu để thi đua. Từ đó, việc tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dàng tiếp thu hơn.

Cùng với Hội thi, các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã lồng ghép tổ chức sinh hoạt dưới cờ, đồng thời triển khai cho học sinh các nhà trường ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Một điểm đáng chú ý ở địa phương, là đã xử phạt hành chính thật nặng các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết; thậm chí là xử lý hình sự để tăng tính răn đe.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn thông tin: Từ năm 2023 huyện đã chỉ đạo và hướng dẫn các xã xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm tổ chức tảo hôn. Qua thống kê sơ bộ, thì đã có 175 trường hợp bị xử phạt hành chính trong năm 2023. Một số trường hợp cũng bị xử phạt tù về tội “Giao cấu với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Tại các bản làng miền Tây xứ Nghệ, thời gian qua, những cách làm, mô hình phòng chống tảo hôn hiệu quả đang tiếp tục được triển khai, nhân rộng. Từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, thông qua các dự án 8, dự án 9; hàng trăm cuộc tuyên truyền, vận động tại cơ sở đã được thực hiện. Cùng với đó, là hình thức ký cam kết không vi phạm; xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Bản làng không tảo hôn”, xây dựng hương ước, quy ước thôn bản gắn với phòng chống tảo hôn…

Đặc biệt, là một trong những đơn vị chung tay tham gia phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các cấp hội phụ nữ của tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt. Từ nguồn lực của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, các cấp hội đã thành lập 12 câu lạc bộ “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết”, 22 câu lạc bộ “Phòng chống tảo hôn” các xã có nguy cơ cao.

Mục đích là, thông qua câu lạc bộ nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, học sinh, sinh viên về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, từ đó giúp cho người dân thay đổi nhận thức, hành vi về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Theo ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tương Dương, tại huyện đã có nhiều câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết được thành lập, hoạt động và mang lại những hiệu quả bước đầu. Năm 2023, toàn huyện có 27 trường hợp tảo hôn, thì 10 tháng đầu năm 20, đã giảm xuống còn 17 trường hợp.

Ngoài các giải pháp, biện pháp đi kèm thì đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn đang là cách mang lại hiệu quả. Mưa dầm thấm lâu, để từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ cho bà con.

2(3).jpg
Hội thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong các trường học ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Ông Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An trao đổi: Việc tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho đối tượng học sinh, là một nhiệm vụ được ngành Dân số Nghệ An quan tâm. Bởi học sinh là đối tượng chính của thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nếu đối tượng chính được trang bị kiến thức đầy đủ về hôn nhân và gia đình, có ý thức phòng tránh, thì chắc chắn tảo hôn và hôn nhân cận huyết sẽ từng bước được đẩy lùi.

Tổng hợp sơ bộ từ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang giảm dần. Nếu như năm 2021 là 309 trường hợp, thì đến năm 2022 còn 295 trường hợp và đến cuối 2023 còn 230 trường hợp. Trong đó, một số địa phương từng có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao, nay đã giảm đáng kể. Điều đó cho thấy, các giải pháp phòng chống tảo hôn với sự hỗ trợ từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719 đang phát huy hiệu quả tích cực.

Trần Tú