Đời sống

Cần đảm bảo nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền ngư dân

Gia Ân - Mai Giang 13/11/20 - 16:42

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) có hơn 400 tàu thuyền chuyên khai thác, đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và vùng khơi. Hện nay nơi tránh trú bão cho tàu thuyền vẫn còn thiếu và chưa đủ tiêu chuẩn an toàn nên cứ đến mùa mưa bão, ngư dân lại không khỏi lo lắng.

Thời gian này do thời tiết chưa ổn định, nên hầu như các tàu cá của xã Diễn Bích đều không ra khơi. Cảnh tàu thuyền chen chúc nhau dọc bến cá tại xóm Chiến Thắng và được cột sơ sài với các trụ hoặc cọc gỗ mà người dân tự làm, khiến cho những con tàu trở nên thiếu an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích thì đây chỉ mới đảm bảo cho 50% tàu thuyền của xã về đậu tránh trú bão, còn số nữa phải di chuyển ở nhiều nơi dọc sông Bùng ở các xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Ngọc. Vì vậy, việc đầu tư điểm tránh trú bão cho tàu thuyền Diễn Bích là điều vô cùng cấp thiết.

neo_dau_tranh_tru_1.jpg
Tàu cá ngư dân đậu sát nhau tại bến sẽ không tránh khỏi va đập khi ra vào và gió bão.

Ngư dân Trần Văn Quang cho biết: “Mưa bão đến thì việc neo đậu tàu thuyền tại bến rất mất an toàn. Ở bến cá Diễn Bích chưa có trụ để neo đậu nên bà con mạnh ai nấy làm, chen chúc nhau rất vất vả”.

Hiện nay, 283 tàu cá của Diễn Ngọc được tập trung đậu dọc cảng lạch Vạn, tuyệt đối không cho neo đậu gần các cầu, cống. Tuy nhiên, qua các đợt bão vừa rồi cũng đã bộc lộ nhiều bất cập khi lượng tàu thuyền quá lớn mà nơi neo đậu chưa đáp ứng được. Trong khi đó, các trụ neo đậu được xây dựng từ năm 2009 nên nhiều cột bị hư hỏng và không còn dụng cụ để chống va đập. Do đó, khi mưa gió to nhiều tàu va đập vào nhau gây hư hỏng khá nghiêm trọng.

Ngư dân Trần văn Quyết cho biết: Bến đỗ không chỉ chật chội mà các trụ nổi để neo tàu cũng thiếu. Do vậy, nhiều tàu thuyền chỉ được neo bằng những cây cột mỏng manh, xiêu vẹo... rất nguy hiểm khi sóng to, gió lớn. Tàu ở đây bị va đập bể kính, bể mui, bể cabin xảy ra nhiều. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước sắp xếp bến đậu để tàu thuyền tự do ra vào tránh va đập với nhau”.

neo_dau_tranh_tru_3.jpg
Tàu thuyền khi về bến được neo vào các cọc nhỏ do ngư dân tự làm.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, chia sẻ thêm: Hiện nay, khu vực cầu Diễn Kim đi lên phía trên dọc sông Bùng có trụ neo đậu, nhưng đoạn này sông cạn nên hầu hết chủ tàu không lên được đó. Chỉ tàu nhỏ mới lên được. Còn từ khu vực cầu Diễn Kim đến rừng sú vẹt Diễn Bích thì sâu nhưng rất chật chội. UBND xã đề xuất các cấp có thẩm quyền cải tạo lại các trụ cột bê tông để tàu thuyền đậu trú bão”.

Huyện Diễn Châu hiện quy hoạch được 3 khu neo đậu tránh trú bão tại Diễn Vạn, Diễn Ngọc và Diễn Kỷ. Trong đó, khu neo đậu lớn nhất là dọc sông Bùng xã Diễn Kỷ nhưng do sông bị bồi cạn, ngư dân phải lựa theo con nước mới vào khu neo đậu nên xảy ra tình trạng chen lấn lộn xộn gây va đập, hư hỏng nhiều tàu thuyền.

neo_dau_tranh_tru_2.jpg
Đồn Biên phòng Diễn Thành kiểm tra nhắc nhở ngư dân neo đậu an toàn khi có mưa bão xảy ra.

Bình quân mỗi năm Diễn Châu có hàng chục tàu bị va đập, đứt dây trôi, gây thiệt hại nặng cho ngư dân. Tàu thuyền không chỉ là phương tiện kiếm kế sinh nhai của bà con ngư dân, mà còn là tài sản to nhất của họ. Vì vậy, việc khắc phục, sửa chữa, nâng cấp cảng cá, và điểm tránh trú bão cho ngư dân là hết sức cần thiết và chính đáng.

Ông Phan Xuân Vinh- Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, cho biết thêm: “Diễn Châu là một trong những huyện có số lượng phương tiện đánh bắt phát triển nhanh. Sự phát triển này đang đặt ra nhiều vấn đề dịch vụ hậu cần, trú tránh bão như thế nào để đáp ứng yêu cầu. Huyện cũng đã xây dựng một số khu neo đậu tàu thuyền, nhưng vào mùa mưa bão thì khu vực cảng, một số tuyến neo đậu chưa thế đáp ứng hết.
Vì vậy chúng tôi cũng đã lập hồ sơ trình các ngành chức năng có sự đầu tư đảm bảo an toàn nơi tránh trú bão cho tàu thuyền ngư dân”.

Gia Ân - Mai Giang