Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đà Nẵng xác định dịch vụ logistics là một ngành quan trọng

Trang Trần 14/11/20 - 10:35

“Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội…”, đó là một trong những nội dung ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng khẳng định tại Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” được tổ chức sáng nay - 14/11.

Khu thương mại tự do- Động lực mới phát triển ngành logistics TP. Đà Nẵng

Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” được UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức với sự tham gia của khoảng 350 đại biểu. Đây là sự kiện lớn, quy mô quốc tế về Khu Thương mại tự do và lĩnh vực logistics lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Đà Nẵng.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng khẳng định, logistics là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân; đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

14-11-ktmtd-2.jpg
Ông Trần Chí Cường – Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Thời gian qua, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế.

Thành phố Đà Nẵng với vị trí địa chính trị kinh tế và nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực; là một trong số ít địa phương có cả cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia…, giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung. Đặc biệt, Nghị quyết số 136 ngày 26/6/20 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã trao cho Thành phố nhiều chính sách vượt trội.

Trong đó, việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng như khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của thành phố Đà Nẵng.

Chính sách đặc thù này áp dụng cho TP. Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung.

14-11-ktmtd-3.jpg
Khu trưng bày, giới thiệu tiềm năng phát triển ngành logistics thành phố và sản phẩm, dịch vụ logistics

Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng. Trần Chí Cường cho biết: “Thành phố đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 20 sớm chính thức thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm của chính sách”.

Ngoài ra, Đà Nẵng Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển.

Theo Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng, thành phố tổ chức Diễn đàn là sự kiện hết sức ý nghĩa, giúp Thành phố tiếp nhận được nhiều thông tin, kinh nghiệm, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để đóng góp cho ngành logistics của thành phố nói chung và xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng nói riêng phát triển.

Khu Thương mại tự do sẽ đưa Việt Nam tham gia sâu chuỗi cung ứng logistics toàn cầu

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Đây là một ngành dịch vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

14-11-ktmtd-4.jpg
Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương- Trương Thanh Hoài cho biết, năm 2023, chỉ số hiệu quả logisticS (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/4 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 - 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng. Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, song ngành logistics còn bộc lộ những hạn chế như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao, ...

“Vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/20/QH về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng - là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

14-11-ktmtd-5.jpg
Khu trưng bày, giới thiệu tiềm năng phát triển ngành logistics thành phố và sản phẩm, dịch vụ logistics

Diễn đàn hôm nay là cơ hội để TP. Đà Nẵng được đón tiếp và tiếp nhận các chia sẻ, đề xuất từ các Bộ, ngành; chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics. Diễn đàn cũng tạo ra những cơ hội giao lưu, kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước. Các đại biểu sẽ cùng thảo luận về những xu hướng mới, những thách thức quan trọng mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới, qua đó, sẽ thu được những kiến thức bổ ích, những mối quan hệ mới và những ý tưởng đột phá để cùng nhau phát triển.

“Bộ Công Thương đánh giá cao và ghi nhận sự tham gia, hưởng ứng, tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần tạo nên sự thành công cho Diễn đàn này. Bộ Công Thương sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành logistics”, Thứ trưởng Bộ Công Thương- Trương Thanh Hoài nói thêm.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong khu thương mại tự do Đà Nẵng là yêu cầu quan trọng vì không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế mà còn cần đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường. Điểm mấu chốt nữa là chuyển đổi số, số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

Trang Trần