Đắk Lắk quyết liệt ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã
Đắk Lắk, vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học đang phải đối mặt với tình trạng săn bắt động vật hoang dã ngày càng gia tăng. Trước nguy cơ nhiều loài quý hiếm bị đe dọa, chính quyền nơi đây đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ hệ sinh thái. Những nỗ lực này không chỉ hướng tới việc chấm dứt nạn săn bắt, mà còn khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường trong lòng mỗi người dân.
Là khu rừng khộp duy nhất tại Việt Nam với diện tích hơn 1.500 ha, Vườn Quốc gia Yok Đôn sở hữu hệ sinh thái độc đáo với hơn 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó có nhiều loài đặc hữu và nguy cấp. Tuy nhiên, địa hình bằng phẳng cùng vị trí tiếp giáp với 7 xã vùng đệm thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông khiến Yok Đôn luôn chịu áp lực xâm hại tài nguyên rừng, đặc biệt là nạn săn bắt động vật hoang dã.
Từ đầu năm đến tháng 10/20, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đã tổ chức 17.770 lượt tuần tra, phát hiện và tháo gỡ 899 bẫy thú, đồng thời thu giữ 75kg thịt động vật rừng.
Ông Phan Thanh Hòa, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, cho biết, Vườn Quốc gia Yok Đôn có địa hình bằng phẳng, tiếp giáp với 7 xã vùng đệm thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, nên áp lực xâm hại tài nguyên rừng là rất lớn, đặc biệt là nạn săn bắt động vật hoang dã. Trong mùa khô, tình trạng săn bắt thường tăng mạnh, buộc lực lượng kiểm lâm phải tăng cường tuần tra và truy quét các đối tượng vi phạm, đồng thời tháo gỡ kịp thời các loại bẫy thú để bảo vệ hệ sinh thái rừng.
“Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến người dân sống gần rừng về nâng cao nhận thức và tránh những hành vi vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, thường xuyên huy động các tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở những xã vùng đệm để tuần tra, kịp thời phát hiện các đối tượng có dấu hiệu xâm nhập vào rừng săn bắt động vật nhằm ngăn chặn và xử lý theo quy định”, ông Phan Thanh Hòa cho biết thêm.
Cách không xa Yok Đôn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với diện tích gần 26.850 ha cũng là một điểm về đa dạng sinh học. Đây là ngôi nhà của 279 loài động vật, trong đó có 69 loài quý hiếm như hổ, báo, voi và nhiều loài chim đặc hữu. Tuy nhiên, sự phong phú này đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các hoạt động săn bắt, khai thác trái phép.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Ea Sô cho hay, từ đầu năm đến ngày 10/11/20, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm, chủ yếu liên quan đến săn bắt động vật hoang dã. Trong đó, nổi cộm là tình trạng sử dụng máy kích giun bằng điện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái đất và nguồn thức ăn tự nhiên của các loài động vật.
“Việc bảo vệ Ea Sô trở nên phức tạp hơn do Quốc lộ 29 chạy qua, tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng tiếp cận rừng và vận chuyển tang vật. Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh giáp ranh như Gia Lai và Phú Yên để tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân trong khu vực”, ông Huy nói.
Đứng trước những nguy cơ về xâm hại tài nguyên rừng, nhất là việc săn bắt động vật hoang dã, bên cạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát những “điểm nóng”, Lực lượng chức năng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiếp giáp lâm phần trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên để thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân sống gần rừng nhằm hạn chế tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cho biết, để góp phần ngăn chặn hành vi săn bắt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý nghiêm những vụ việc liên quan đến săn bắt động vật hoang dã, nhất là trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường công tác nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở lợi dụng việc nuôi động vật hoang dã để mua bán động vật hoang dã không rõ nguồn gốc nhằm trục lợi và tiếp tay cho nạn săn bắt động vật hoang dã.
Những nỗ lực bền bỉ của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến bảo vệ rừng và động vật hoang dã ở Đắk Lắk.Tuy nhiên, để duy trì và phát triển những thành quả này, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Việc từ chối sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã hay tham gia các hoạt động bảo vệ rừng là những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn.